Trần lãi suất 13% sẽ gây khó cho tài chính vi mô

Ngọc Dũng-Thứ hai, ngày 29/04/2013 12:45 GMT+7

Thu nợ gốc và lãi hàng tuần là ưu điểm của tài chính vi mô. Ảnh: Thời báo Ngân hàng

 Tổ chức tài chính vi mô như TYM hay M7 đang phát huy hiệu quả trong việc cho vay và thu hồi vốn theo hướng đến tận tay người vay giúp nhiều phụ nữ nông thôn xóa nghèo bền vững. Tuy nhiên, với quy định trần lãi suất cho vay tối đa 13%/năm có thể sẽ hạn chế hiệu quả hoạt động của những tổ chức này.

14 năm trước, bà Đỗ Thị Hảo ở xã Tiền Châu, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc dù chỉ được vay 500.000 đồng nhưng với bản tính chịu khó và biết tính toán, bà đã cùng với gia đình tạo lập nên cơ nghiệp hiện nay: trang trại 3.000 m2 với vườn cây, ao cá, gà vịt đầy đàn. Bây giờ, không ai còn nhận ra đây đã từng là một trong những hộ khó khăn của xã nữa.

Bà Hảo chia sẻ: “Với món tiền 500.000-700.000 đồng ấy, mỗi 1 tuần chỉ phải trả hơn chục ngàn thôi nên tôi cảm thấy rất là dễ chịu. Vì là tiền của mình, gà đẻ ra trứng thì mình bán, rồi nguồn thu của mình cũng lên”.

Quỹ TYM thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được hình thành năm 1992 với mục đích hỗ trợ vốn và kiến thức cho phụ nữ nghèo cải thiện kinh tế gia đình. Năm 2010, Ngân hàng Nhà nước cho phép quỹ này chuyển thành Tổ chức tài chính quy mô nhỏ, hoạt động là cho vay từ 1-25 triệu đồng không cần tài sản thế chấp, tiền gốc và lãi sẽ thu hàng tuần để người vay tích cóp và trả dần, không tạo gánh nặng nợ nần và phải vay nặng lãi ở nông thôn. Tỷ lệ thu hồi nợ đạt gần 100%. Đây là điểm khác biệt so với ngân hàng người nghèo của Bangladesh hay Campuchia.

Ông Lê Văn Lãng - Phó Chủ tịch kinh tế UBND thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc cho biết: “Mô hình này đã giúp cho các hội viên nghèo của phụ nữ tiếp cận nhanh với nguồn tài chính để có thể phát triển kinh tế phù hợp với mô hình của nông dân, của những người phụ nữ còn đang còn trong giai đoạn khó khăn và nhất là không có điều kiện, không có tài sản để tiếp cận với nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng khác trên địa bàn”.

Một điểm khác biệt nữa là Tổ chức tài chính vi mô mang vốn đến tận nhà người dân. Nghĩa là cán bộ của tài chính vi mô sẽ phải mất công sức, chi phí xăng xe để xuống cơ sở. Nếu áp dụng mức trần lãi suất 13%/năm như văn bản mới đây của Ngân hàng Nhà nước thì tổ chức tài chính vi mô sẽ bị mất đi yếu tố phục vụ xã hội.

Ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính phân tích: “Chúng ta phải tính sòng phẳng với nhau ra: chi phí nếu vay của ngân hàng thương mại là bao nhiêu tiền? Chi phí phải bỏ ra cho TYM là bao nhiêu tiền?... Lúc đó, chúng ta mới so sánh được 13% hay 15% là cao hay thấp? Mà cá nhân tôi, thông qua những bài toán thực tế, thông qua bài toán chi phí lợi ích thực tế thì tôi cho rằng, với mức lãi suất 13% này, người ta không thể hoạt động được và cái thiệt thòi đầu tiên sẽ thuộc về bà con thành viên, những người mong muốn có vốn để kinh doanh trong điều kiện không vay được ngân hàng như hiện nay”.

Theo ông Joerg Teumer - Chuyên gia tư vấn tài chính quốc tế (SBFIC) thì rất nhiều người chưa mở được tài khoản, chưa tiết kiệm được thường xuyên cho nên việc quan trọng là cung cấp được dịch vụ một cách thường xuyên, đầy đủ và bền vững. Chính vì vậy, Việt Nam rất cần có sự cân đối giữa quản lý Nhà nước và để có sự cạnh tranh lành mạnh với nhau.

Theo Nghị định số 41 năm 2010 của Chính phủ, các tổ chức tài chính quy mô nhỏ được cho vay theo lãi suất thỏa thuận với khách hàng, phù hợp với quy định của Pháp luật. Nhưng Thông tư số 33 cuối năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước lại quy định: Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 13%/năm, sẽ gây khó khăn vì không đủ bù chi phí cho hoạt động vốn không mang tính thương mại như các ngân hàng. Bởi vậy, NHNN cần có cơ chế đặc thù để mô hình hoạt động hiệu quả nhất nhằm phục vụ đối tượng là phụ nữ nghèo vay vốn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước