Ủy ban Chứng khoán NN mới đây đã chủ trì buổi làm việc và trao đổi thông tin với đoàn công tác của FTSE Russell và Morgan Stanley về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó FTSE Russell đã tiếp tục đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện để đáp ứng các tiêu chí nâng hạng. Còn về đại diện Morgan Stanley thì cho biết nếu Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thì có thể giúp thu hút 800 triệu USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số FTSE và 2 tỷ USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số khác. Đồng thời, khi thị trường nâng hạng thì các quỹ chủ động sẽ tham gia tích cực hơn và dự kiến sẽ có khoảng 4-6 tỷ USD vào Việt Nam.
Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, chuyên gia đánh giá, với triển vọng nâng hạng, các nhóm ngành trên thị trường cũng sẽ được hưởng lợi, đứng đầu là ngành ngân hàng. Đây là ngành xương sống của nền kinh tế và cũng là ngành chiếm vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán với khoảng 35% vốn hóa trên sàn HOSE.
BTV Mùi Khánh Ly: Nền kinh tế đang trong quý cuối cùng của năm 2024, giai đoạn nước rút để hoàn thành các mục tiêu của năm, bà đánh giá như thế nào về nền kinh tế hiện nay và khả năng hoàn thành mục tiêu đã đề ra?
Bà Phan Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Sản phẩm (Khối KHCN), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank: Theo chúng tôi đánh giá, những chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu có phát huy tác dụng từ quý III/2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đã tốt hơn hẳn so với 6 tháng đầu năm. Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/9, tín dụng tăng 9%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Với VPBank, trong quý III/2024 vừa rồi, chúng tôi cũng đã đạt được tốc độ tăng trưởng là 10,4%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành (9%). Ngoài ra, trên cơ sở các yếu tố phục hồi kinh tế, áp lực lạm phát vừa phải và tiền đồng yếu đi so với USD, diễn biến chung cho thấy các ngân hàng sẽ tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất cho vay ổn định ở mức thấp để ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, các ngân hàng đồng hành cùng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai những gói tín dụng mới với giảm lãi suất để hỗ trợ người dân.
Hơn nữa, cuối năm cũng là thời điểm doanh nghiệp dồn sức chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường dịp Tết, đồng thời hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu nên nhu cầu vốn lớn hơn. Vì vậy, chúng tôi kì vọng trong quý IV, tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 15% mà Ngân hàng Nhà nước đã đề ra.
BTV Mùi Khánh Ly: Còn đi sâu vào các các ngành nghề trong nền kinh tế hiện nay đang hoạt động kinh doanh như thế nào dưới số liệu của ba quý đầu năm và dự báo sẽ như thế nào trong quý IV?
Bà Phan Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Sản phẩm (Khối KHCN), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank: Đối với quý III, tín dụng của ngành ngân hàng cũng bắt đầu phát huy trong các ngành hàng tiêu dùng, trong đó có cả cho vay bất động sản. Và với sự khởi sắc của nền kinh tế như vậy thì dự kiến quý IV/2024 các ngành mà được ưu tiên phát triển cùng với chính sách của Chính phủ bao gồm cho vay mua nhà và đặc biệt là gói hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ của Chính phủ với lãi suất ưu đãi giảm 3% cho người dân.
Song song với đó thì ngành nông, lâm thủy, hải sản cũng là một ngành được khuyến khích với gói mà Chính phủ cũng tăng từ 30.000 lên đến 60.000 tỷ đồng, cùng các chương trình dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho dịp cuối năm để phục hồi kinh tế. Đồng thời, trong tháng 9 vừa qua, chúng ta cũng đã trải qua cơn bão Yagi, các ngân hàng cũng đã có nhiều chính sách để hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả do bão lũ trong cuối năm và hướng tới dịp Tết. Theo đấy, chúng tôi cũng đã tham gia những chương trình giảm lãi suất 1% cho vay cho các khách hàng cá nhân, bị ảnh hưởng bão lũ trong thời gian vừa rồi.
BTV Mùi Khánh Ly: Năm nay, triển vọng nâng hạng thị trường đang đến rất gần và đây được đánh giá là một sự kiện quan trọng không chỉ đối với thị trường chứng khoán mà còn có ý nghĩa với một quốc gia và dự kiến sẽ có nhiều nhóm ngành sẽ được hưởng lợi? Theo các bà, đó là những nhóm ngành nào sẽ là nhóm ngành tiềm năng để nhà đầu tư đón đầu?
Bà Phan Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Sản phẩm (Khối KHCN), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank: Trong bối cảnh thị trường chứng khoán được nâng hạng thì các ngành có tiềm năng phát triển tốt, ổn định và còn nhiều room ngoại sẽ có khả năng thu hút được dòng vốn ngoại nhất. Ngành ngân hàng hiện là ngành xương sống nền kinh tế, chiếm tỷ trọng lớn nhất vốn hóa trên toàn thị trường chứng khoán. Hiện tại các chuyên gia cũng duy trì dự báo rằng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng trong quý IV/2024 và cả năm 2025 sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, đóng góp quan trọng cho thị trường chứng khoán. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ ổn định để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Vì vậy, ngành ngân hàng được kì vọng thu hút được nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Như trường hợp của Ngân hàng VPBank, ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn chung nêu trên, chúng tôi còn có thế mạnh là nền tảng vốn lớn, cung cấp đa dạng sản phẩm dịch vụ đến tất cả các phân khúc khách hàng, luôn tiên phong đi đầu số hóa nhằm đem lại các trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, cùng với chính sách chi trả cổ tức đều đặn hàng năm, nên VPBank luôn thu hút được sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đó cũng là lý do mà đối tác chiến lược của chúng tôi, Ngân hàng SMBC của Nhật Bản, đã giải ngân đến 1,4 tỷ USD để mua 15% vốn, cho thấy tầm nhìn dài hạn từ 5 hay 10 năm tới.
BTV Mùi Khánh Ly: Tuy nhiên, ngành ngân hàng thì cũng sẽ phải hỗ trợ những ngành nghề và các doanh nghiệp khác. Thực tế nền kinh tế cũng vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định, vậy thì ngành ngân hàng sẽ phải làm gì để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế?
Bà Phan Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Sản phẩm (Khối KHCN), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank: Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng đã liên tục cập nhật, điều chỉnh các chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn ổn định, lãi suất giảm. Cụ thể như, với Ngân hàng VPBank, từ đầu năm đến nay chúng tôi đã cắt giảm lãi suất hơn 1% cho các khách hàng cá nhân vay tiêu dùng và giảm 0.5-1% cho các khách hàng hộ kinh doanh, đặc biệt các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đợt bão lũ trong thời gian qua.
Bên cạnh việc giảm lãi suất, chúng tôi cũng liên tục tinh giản các thủ tục cho vay, cùng với địa bàn trải rộng các tỉnh, thành phố, bao gồm cả các địa bàn nông thôn, miền núi, chúng tôi đã tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn hơn. Ngoài ra, VPBank còn có các chương trình tư vấn cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong việc quản lý dòng tiền, phương án đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh sao cho hiệu quả nhất để thúc đẩy phục hồi kinh tế. Ngân hàng cũng tích cực tham gia vào gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chương trình cho vay mua nhà ở xã hội, với cam kết giải ngân tối thiểu 2.500 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân tham gia chương trình.
BTV Mùi Khánh Ly: Bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp, thì chính ngành ngân hàng cũng phải đạt kết quả kinh doanh tốt và hiệu quả. Theo các bà thì đâu là những yếu tố giúp ngành ngân hàng sẽ đạt được triển vọng tích cực trong thời gian tới, và tiềm năng trước triển vọng nâng hạng của thị trường?
Bà Phan Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Sản phẩm (Khối KHCN), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank: Ngành ngân hàng luôn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, chính vì vậy khi kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng tốt thì ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi từ đó. Chúng tôi nhận thấy một số trụ cột chính của nền kinh tế đang có chuyển biến tích cực như lãi suất ổn định và có xu hướng giảm, tăng trưởng công nghiệp hướng vào xuất khẩu, gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư công vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng…Bên cạnh đó, doanh thu bán lẻ liên tục tăng trưởng, bất động sản đã phục hồi và khởi sắc tại nhiều tỉnh thành.
Ngoài ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã dần phục hồi giúp hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp bất động sản. Các yếu tố này sẽ là chất xúc tác rất tốt giúp ngành ngân hàng có sự tăng trưởng tích cực hơn trong thời gian tới. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng luôn đi đầu trong các xu hướng như chuyển đổi số, theo đuổi chiến lược phát triển bền vững ESG, áp dụng các thông lệ quốc tế trong hoạt động quản trị công ty… Như VPBank thì năm nay và trong năm tới 2025 sẽ chú trọng các chiến lược đổi mới như đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng Generative AI trong các hoạt động ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh xanh hóa danh mục đầu tư, tăng trưởng tài trợ các dự án xanh.
Đồng thời, nắm bắt thời cơ từ làn sóng FDI chảy mạnh vào Việt Nam, cũng như tối ưu sự hỗ trợ từ đối tác chiến lược SMBC để mở rộng hoạt động sang phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp FDI. Hiện, chúng tôi đã bổ sung được một danh mục khách hàng FDI lên tới hơn 500 doanh nghiệp, và một quy mô đội ngũ chuyên gia, nhân sự hùng hậu của riêng từng doanh nghiệp có thể trở thành khách hàng cá nhân tiềm năng của ngân hàng trong tương lai. Các trọng tâm trên kết hợp với một môi trường kinh tế ổn định và chính sách hỗ trợ từ chính phủ sẽ giúp ngân hàng phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!