Trung Quốc điều tra sữa nhập từ EU
Điều này làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc với khối EU một ngày sau khi Brussels công bố dự thảo quyết định sửa đổi liên quan đến thuế quan đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất.
Cụ thể, cuộc điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm sữa do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố sẽ tập trung vào nhiều loại phô mai, sữa và kem dùng cho con người.
Sự việc này được đưa ra sau khi Hiệp hội Sữa Trung Quốc và Hiệp hội Công nghiệp Sữa Trung Quốc nộp đơn khiếu nại vào ngày 29/7 thay mặt cho ngành công nghiệp sữa trong nước.
Theo đó, Trung Quốc sẽ xem xét 20 chương trình trợ cấp từ 27 nước trong khối, đặc biệt là các chương trình từ Áo, Bỉ, Croatia, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Ý, Ireland và Romania.
Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, EU là nguồn cung cấp các sản phẩm từ sữa lớn thứ hai của Trung Quốc, chiếm ít nhất 36% tổng giá trị nhập khẩu vào năm 2023, chỉ sau New Zealand.
Còn theo dữ liệu của Ủy ban Châu Âu, EU đã xuất khẩu 1,7 tỷ euro (1,84 tỷ USD) các sản phẩm từ sữa sang Trung Quốc vào năm 2023, giảm so với mức 2 tỷ USD vào năm 2022.
Thịt lợn cũng được Trung Quốc "gọi tên"
Trước đó, cuộc điều tra chống bán phá giá do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố vào tháng 6/2024 tập trung vào thịt lợn dùng làm thực phẩm cho con người, chẳng hạn như thịt lợn nguyên miếng tươi, lạnh và đông lạnh, cũng như ruột, bàng quang và dạ dày lợn.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, động thái này được đưa ra sau khi Hiệp hội chăn nuôi Trung Quốc nộp đơn khiếu nại thay mặt cho ngành công nghiệp thịt lợn trong nước.
Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, các nhà cung cấp thịt lợn từ Nam Mỹ, Hoa Kỳ và Nga có thể nằm trong số những đơn vị giành được thị phần nếu Trung Quốc hạn chế nhập khẩu từ Liên minh châu Âu.
Theo dữ liệu hải quan, EU chiếm hơn một nửa trong số 6 tỷ USD giá trị thịt lợn mà Trung Quốc nhập khẩu vào năm 2023, trong đó khoảng một phần tư là từ Tây Ban Nha.
Người tiêu dùng Trung Quốc không còn dễ tính với các thương hiệu phương Tây
Đứng thứ hai và thứ ba là Hà Lan và Đan Mạch năm ngoái đã xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm thịt lợn với giá trị lần lượt là 620 triệu USD và 550 triệu USD.
Số phận của rượu và nhựa nhập khẩu EU?
Trung Quốc không áp dụng thuế tạm thời đối với rượu mạnh nhập khẩu từ EU
Ngày 29/8, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ không áp dụng thuế tạm thời đối với rượu mạnh nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, mặc dù phát hiện loại rượu này được bán tại Trung Quốc với giá thấp hơn giá thị trường.
Trước đó, đầu năm 2024, Trung Quốc cho biết đang xem xét liệu các nhà sản xuất rượu mạnh của EU có bán sản phẩm của họ tại nước này với giá thấp hơn giá thị trường hay không, điều này ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà sản xuất rượu cognac, đặc biệt là các công ty của Pháp như Remy.
Ngành công nghiệp rượu cognac của Pháp chiếm gần như toàn bộ lượng rượu mạnh nhập khẩu vào EU của Trung Quốc. Các nhà sản xuất Pháp cho biết họ nghi ngờ cuộc điều tra có liên quan đến một cuộc tranh chấp thương mại rộng lớn hơn chứ không phải thị trường rượu.
Sau thông báo của Trung Quốc, cổ phiếu của các nhà sản xuất rượu mạnh của Pháp Remy Cointreau và Pernod Ricard đã tăng khoảng 8%. Trong khi đó, cổ phiếu của nhà sản xuất Campari của Italy tăng 4,5%.
Ngoài ra, đối với mặt hàng nhựa, hồi tháng 5, Trung Quốc đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với copolymer POM - một loại nhựa kỹ thuật, được nhập khẩu từ EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đài Loan.
Trước những động thái trên, nhiều chuyên gia nhận định, Trung Quốc đang có xu hướng mở các cuộc điều tra mới nhằm vào EU, đẩy hai bên tới gần hơn bờ vực của một cuộc chiến tranh thương mại...
Theo hãng tin Bloomberg, khác với trong cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn với Mỹ - khi hai bên ồ ạt áp thuế quan trừng phạt lên một danh sách dài các hàng hoá xuất khẩu của nhau - Trung Quốc trong mâu thuẫn với EU có thể sẽ lựa chọn các biện pháp có mục tiêu cụ thể hơn, tương tự như cách họ đã làm với Australia mấy năm trước. Truyền thông nhà nước và các cơ quan hữu quan của Trung Quốc cũng đã không khai “điểm danh” những sản phẩm cụ thể của châu Âu có thể bị áp thuế.
Ở chiều ngược lại, trong năm 2024, EU đã mở điều tra trợ cấp đối với các sản phẩm turbine gió và tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Brussels cũng đã hoàn tất một cuộc điều tra kéo dài 8 tháng nhằm vào việc Trung Quốc hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô điện, mà kết quả dẫn tới việc EU áp thuế quan bổ sung lên ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mới đây, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến việc EU áp thuế bổ sung đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo đó, Trung Quốc đã sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để khiếu nại các biện pháp tạm thời mà EU áp đặt đối với xe điện do quốc gia châu Á này sản xuất và xuất khẩu vào thị trường của khối.
Trung Quốc khẳng định, các kết luận trong phán quyết sơ bộ của EU về xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc thiếu cơ sở thực tế và pháp lý, đồng thời vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của WTO, qua đó gây phương hại đến tiến trình hợp tác toàn cầu về sản xuất và sử dụng xe điện nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!