ByteDance, công ty mẹ của TikTok, hướng đến thị trường toàn cầu nhưng gặp khó. (Ảnh: Alamy)
Thông tin này được kênh truyền hình CNBC hôm 11/9 dẫn 3 nguồn tin rành rẽ vụ việc tiết lộ.
TikTok (ứng dụng video ngắn) đã đàm phám với những người mua tiềm năng bao gồm Microsoft và Oracle nhưng gặp nhiều vấn đề. Ngoài ra, quy định của phía Trung Quốc cũng gây cản trở khi ByteDance (công ty mẹ của Tiktok), được yêu cầu phải nộp kế hoạch thương vụ để thông qua tất cả kế hoạch thương vụ.
Các quan chức Trung Quốc tin rằng việc buộc phải bán TikTok sẽ khiến cả ByteDance và Bắc Kinh tỏ ra yếu thế trước sức ép từ Washington, các nguồn tin giấu tên cho biết.
ByteDance cho hãng Reuters biết rằng chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ đề xuất với họ rằng họ nên đóng cửa TikTok ở Mỹ hoặc ở bất kỳ thị trường nào khác.
TikTok đã nộp đơn kiện chính phủ Mỹ về sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Hai trong số các nguồn tin cho biết khi cần thiết, Trung Quốc sử dụng những thay đổi này được áp dụng với TikTok hôm 28/8 để trì hoãn bất kỳ thỏa thuận nào mà ByteDance đạt được.
Vào ngày 28/8, Trung Quốc sửa đổi danh sách các công nghệ bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu lần đầu tiên sau 12 năm, bao gồm TikTok. Theo đó, nếu ByteDance có kế hoạch xuất khẩu các công nghệ liên quan, họ cần làm các thủ tục cấp phép.
Theo Reuters, những người mua tiềm năng của TikTok đang thảo luận về 4 cách để cấu trúc một vụ mua lại từ ByteDance. Trong số này có kịch bản ByteDance vẫn có thể thúc đẩy việc bán tài sản của TikTok ở Mỹ mà không cần sự chấp thuận của Bộ Thương mại Trung Quốc.
Trong ngày 11/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ không kéo dài hạn chót buộc ứng dụng Trung Quốc TikTok phải bán cho một công ty Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc TikTok chỉ còn chưa tới một tuần để chốt thỏa thuận trước hạn chót 15/9 mà ông Trump đặt ra. Tổng thống Mỹ đã cho TikTok 45 ngày để bán cho một công ty Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên gọi Washington ngừng đàn áp các công ty nước ngoài. (Ảnh: AP)
Khi được hỏi về TikTok hôm 11/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh Mỹ đang lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia, đồng thời kêu gọi nước này ngừng đàn áp các công ty nước ngoài.
Về phía TikTok, đơn vị này đã nộp đơn kiện chính phủ Mỹ về sắc lệnh của ông Trump. Đơn kiện cho rằng sắc lệnh này đã lạm dụng Đạo luật về quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế, vì ứng dụng này không phải là "mối đe dọa bất thường".
Nhằm đáp trả việc Mỹ hạn chế hoạt động của các nhà ngoại giao Trung Quốc tại nước này, Bắc Kinh tuyên bố áp dụng các biện pháp trả đũa vào tối 11-9.
Trong tuyên bố mới nhất vừa đưa ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Bắc Kinh mới đây đã gửi công hàm ngoại giao cho phía Mỹ về việc áp dụng các biện pháp hạn chế đối đẳng nhằm vào Đại sứ quán và các Tổng lãnh sự quán của nước này tại Trung Quốc, trong đó bao gồm cả Tổng lãnh sự quán tại Hồng Kông.
Các biện pháp này còn áp dụng với quan chức ngoại giao cấp cao và tất cả các nhân viên khác làm việc tại các cơ quan đại diện này.
Tuyên bố nhấn mạnh việc làm này là "phản ứng chính đáng, cần thiết" trước việc làm "sai trái" của Mỹ, đồng thời hối thúc Washington lập tức sửa chữa sai lầm, xóa bỏ việc hạn chế hoạt động đối với Đại sứ quán và các Tổng lãnh sự quán của Trung Quốc cũng như các nhân viên ngoại giao của nước này tại Mỹ.
Bắc Kinh cũng cho biết sẽ tiếp tục có những "hồi đáp tương ứng" dựa trên các hành động của Washington. Trước đó, ngày 2/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, nước này sẽ hạn chế quyền đi lại của nhân viên ngoại giao Trung Quốc do Bắc Kinh đã thắt chặt hạn chế đi lại và gặp gỡ của các nhân viên ngoại giao Mỹ nhiều năm qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!