Bằng thủ đoạn xin tạm nhập hàng hoá vào Bỉ chờ tái xuất nhưng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không tái xuất đã bí mật tuồn số hàng hoá đó sang các nước châu Âu khác. Số hàng hóa này sau được bán ra trên lãnh thổ châu Âu, doanh nhân Trung Quốc không phải đóng thuế giá trị gia tăng tại bất cứ nước nào.
Tờ Le Soir của Bỉ chạy title lớn trên trang nhất tạm dịch "Trung Quốc gian lận thuế giá trị gia tăng với quy mô lớn tại Bỉ". Theo đó, vụ gian lận vỡ lở khi hải quan Bỉ bắt giữ 16 máy bay chở hàng tại sân bay quốc tế Brussels với hàng chục tấn hàng hóa đủ chủng loại từ Trung Quốc. Hải quan Bỉ nhận thấy trên giấy tờ số hàng hóa được tạm nhập vào Bỉ, sau đó tái xuất sang một số doanh nghiệp của các nước châu Âu khác nhưng các doanh nghiệp châu Âu đó không tồn tại .
Khi mánh khóe bị phát giác, doanh nhân Trung Quốc khai hàng hóa bán cho đối tác như Hungary nên sẽ đóng thuế giá trị gia tăng tại Hungary. Tuy nhiên, sau đó hàng hoá được âm thầm chuyển đi khỏi Bỉ sang một nước châu Âu khác. Tại thị trường chung châu Âu, hàng hóa thông thương giữa các nước không bị kiểm tra hải quan, thương gia Trung Quốc đã lợi dụng kẽ hở này để gian lận.
Vương quốc Bỉ có cảng biển Anvers lớn thứ hai châu Âu. Hàng hoá từ khắp nơi trên thế giới theo tàu biển tới đây và theo xe lửa hoặc xe tải sang các nước châu Âu khác. Khi vụ gian lận bị phát giác tại sân bay Brussels và khi các lực lượng Bỉ chưa nghĩ đến cảng Anvers, hàng trăm container hàng hóa Trung Quốc ở cảng này đã được gấp rút đưa đi nơi khác. Phía Bỉ còn phát hiện các tàu thủy chở hàng hóa Trung Quốc đang trên biển đã bất ngờ chuyển hướng sang các cảng khác của châu Âu, trong khi đích đến ban đầu là cảng Anvers.
Chính phủ Bỉ nhận thấy không thể "đơn thương độc mã" chống lại hành động gian lận của doanh nhân Trung Quốc vì theo tờ Le Soir, nếu chỉ riêng Bỉ hành động phần lớn hàng hoá gian lận không tới Anvers cũng sẽ được đưa sang các cảng châu Âu khác. Thiệt hại không chỉ là Bỉ, theo ước tính của Ủy ban châu Âu, gian lận thuế giá trị gia tăng qua hình thức này làm cho châu Âu thất thu khoảng 5 tỷ Euro mỗi năm.
Nước Anh bị chỉ đích danh là cố tình lờ đi khi hàng hoá Trung Quốc đưa đưa tới các cảng biển Anh với danh nghĩa tạm nhập tái xuất, sau đó âm thầm vượt biển Manche vào châu Âu lục địa. Lúc này nước Anh vẫn đang nằm trong thị trường chung châu Âu nên hàng hoá từ Anh sang châu Âu không bị kiểm tra hải quan.
Theo bài báo, Hải quan Anh đã làm cho châu Âu thất thu khoảng 2 tỷ Euro thuế nhập khẩu và 3,2 tỷ Euro thuế giá trị gia tăng trên các hàng hóa từ Trung quốc. Cơ quan chống gian lận của Liên minh châu Âu đã đề xuất Ủy ban châu Âu đòi nước Anh 2 tỷ Euro cho ngân sách vì đã không ngặt nghèo với hàng hoá Trung Quốc mang danh nghĩa là tạm nhập tái xuất nhưng thực ra là gian lận thuế giá trị gia tăng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!