Trung Quốc tung loạt biện pháp vực dậy thị trường chứng khoán

VTV Digital-Thứ tư, ngày 30/08/2023 14:11 GMT+7

VTV.vn - Để vực dậy niềm tin của giới đầu tư đang giảm xuống mức thấp, mới đây, giới chức Trung Quốc đã tung ra một loạt biện pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán.

Trung Quốc triển khai hàng loạt biện pháp hỗ trợ thị trường

Chứng khoán Trung Quốc đã có một tháng 8 khá ảm đạm, trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với hàng loạt khó khăn, từ các dữ liệu kém khả quan trong cả sản xuất và dịch vụ, cho tới những lo ngại về lĩnh vực bất động sản.

Tính đến cuối tuần trước, chỉ số MSCI China Index đã giảm 11% trong tháng này và có thể là tháng có hiệu suất thấp nhất kể từ tháng 10/2022.

Một thống kê khác của Bloomberg cho thấy, các quỹ đầu tư toàn cầu đã rút một lượng lớn vốn khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc khi bán ròng gần 11 tỷ USD trong giai đoạn 13 ngày tính tới ngày 23/8. Morgan Stanley và Goldman Sachs cũng tỏ ra bi quan khi hạ dự báo đối với chứng khoán Trung Quốc.

Để vực dậy niềm tin của giới đầu tư đang giảm xuống mức thấp, mới đây, giới chức Trung Quốc đã tung ra một loạt biện pháp hỗ trợ thị trường.

Hôm 27/8, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã triển khai 3 gói biện pháp nhằm hỗ trợ thị trường, bao gồm giảm 50% thuế chuyển nhượng đối với giao dịch cổ phiếu, giảm tỷ lệ tiền gửi để tài trợ ký quỹ, qua đó giảm bớt chi phí giao dịch cho nhà đầu tư. CSRC cũng cam kết tối ưu hóa quá trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) theo hướng cân bằng hơn, đồng thời thắt chặt quy định đối với việc các cổ đông lớn bán cổ phiếu, từ đó bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Trung Quốc tung loạt biện pháp vực dậy thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Chứng khoán Trung Quốc đã có một tháng 8 khá ảm đạm, trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với hàng loạt khó khăn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Xinhua)

Theo ước tính, các thay đổi lần này dự kiến sẽ mang lại lượng vốn mới tương đương 103 tỷ USD mỗi năm vào thị trường.

Ngoài ra, giới chức Trung Quốc cũng đã phê duyệt việc thành lập 37 quỹ bán lẻ chứng khoán để dẫn dòng vốn mới vào thị trường, đồng thời yêu cầu kêu gọi các quỹ đầu tư, ngân hàng và công ty bảo hiểm lớn tăng cường đầu tư vào cổ phiếu.

Giới chuyên gia đánh giá tích cực về các biện pháp hỗ trợ thị trường

"Các biện pháp vừa công bố có lợi cho việc thúc đẩy thị trường và có tác động ở mức chưa từng có, dù là trên phương diện giao dịch hay tài chính. Chúng nằm ngoài sự mong đợi của chúng tôi", bà Yuan Chenxi, chuyên gia tư vấn đầu tư, Công ty Shenwan Hongyuan, đánh giá.

"Hướng đi chính của chính sách mới là làm dịu đi những biến động trên thị trường. Tôi tin rằng khi giá cổ phiếu đang ở mức thấp, những chính sách này có thể thúc đẩy thị trường. Việc đưa ra các chính sách hỗ trợ là hợp lý về mặt thời điểm", ông Shou Qi, Giám đốc Quỹ đầu tư tư nhân Hong Kong (Trung Quốc), nhận định.

"Việc tối ưu hóa hoạt động IPO và tái cấp vốn dựa trên tốc độ phát triển của thị trường vốn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi của thị trường, đồng thời vẫn duy trì được sự ổn định. Việc thắt chặt quy định đối với các cổ đông lớn cũng sẽ bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư nhỏ lẻ và hỗ trợ thị trường", ông Yang Delong, chuyên gia kinh tế trưởng, Quỹ đầu tư Qianhai Open Source, cho biết.

Chứng khoán Trung Quốc bước đầu đón nhận tín hiệu tích cực

Bên cạnh những đánh giá tích cực của các chuyên gia, các biện pháp mới được giới chức Trung Quốc triển khai cũng đã bước đầu vực dậy niềm tin của nhà đầu tư, giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm trong 2 phiên liên tiếp.

Không ít ý kiến cho rằng các động thái chính sách hiện tại có thể là khởi đầu tốt trong việc xây dựng lại niềm tin, nhưng vẫn chưa đủ để giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể phục hồi một cách bền vững.

Ngay sau khi các biện pháp hỗ trợ thị trường được giới chức Trung Quốc công bố, giá của hơn 3.600 cổ phiếu đã tăng mạnh trong ngày giao dịch đầu tuần. Khối lượng giao dịch của thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến lần đầu vượt mốc 1.000 tỷ Nhân dân tệ (hơn 137 tỷ USD) kể từ hôm 4/8. Nhiều nhà đầu tư đã không dấu được sự phấn khích.

Tuy nhiên, những hưng phấn ban đầu đã dần hạ nhiệt. Từ chỗ tăng 5% vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Hai (28/8), chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải sau đó chốt phiên 2 ngày đầu tuần chỉ tăng trên 1% - một kết quả tích cực, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.

"Năm 2008, ngay sau khi thuế chuyển nhượng giao dịch cổ phiếu được cắt giảm, chỉ số chứng khoán của Thượng Hải đã tăng 9,3% - ngày tăng mạnh nhất trong lịch sử. Đó là một sự khác biệt rõ ràng so với mức tăng chỉ hơn 1% lần này. Đó là dấu hiệu cho thấy sự thận trọng của thị trường", tiến sĩ Angel Zhong, chuyên ngành tài chính, Trường Đại học RMIT, cho hay.

Theo các chuyên gia, những biện pháp mang tính kỹ thuật nhằm cải thiện tính thanh khoản cho thị trường là điều cần thiết, và có thể thúc đẩy hoạt động giao dịch. Tuy nhiên, những khó khăn của nền kinh tế vẫn đang khiến giới đầu tư tỏ ra ngần ngại. Điều này đòi hỏi giới chức Trung Quốc cần sớm đưa ra các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn để hỗ trợ tăng trưởng, cải thiện niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

"Nhà đầu tư không chắc chắn được rằng, tác động tích cực sẽ kéo dài trong bao lâu, bởi Trung Quốc vẫn đang phải vật lộn với những khó khăn kinh tế. Tôi nghĩ thị trường sẽ chưa thể phục hồi thực sự nhanh chóng chỉ với những biện pháp này. Cần có những chính sách cụ thể hơn để ổn định và thúc đẩy nền kinh tế", tiến sĩ Angel Zhong, chuyên ngành tài chính, Trường Đại học RMIT, nhận định.

Một thống kê đáng chú ý cho thấy, sau khi mua ròng cổ phiếu Trung Quốc trong phiên sáng thứ Ba (29/8), các nhà đầu tư khối ngoại đã kết thúc ngày giao dịch bằng việc bán ròng 93 triệu USD. Dòng vốn chảy ra ngoài thị trường trong tháng 8 thông qua các liên kết giao dịch với sàn Hong Kong (Trung Quốc) hiện đang hướng gần tới mức kỷ lục cho thấy giới chức Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm để khôi phục hoàn toàn niềm tin của giới đầu tư.

Theo Bloomberg, trước những lời kêu gọi kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn nữa của giới đầu tư, chính phủ Trung Quốc hiện vẫn tỏ ra kiềm chế, bởi quyết tâm thoát khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào nợ. Giới chức Trung Quốc chỉ tái khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ chính sách và tăng tốc chi tiêu chính phủ trong nửa cuối năm nay.

Tuy vậy, một số nhà quan sát thị trường vẫn tỏ ra lạc quan. Quỹ quản lý tài sản hàng đầu thế giới UBS Global Wealth Management mới đây cho biết, chứng khoán Trung Quốc vẫn sẽ là kênh đầu tư ưa thích nhất của quỹ ở châu Á, nhờ các động thái hỗ trợ chính sách của chính phủ nước này.

Chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu đà tăng trong khu vực Chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu đà tăng trong khu vực

VTV.vn - Tại châu Á - Thái Bình Dương, chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu đà tăng trong khu vực phiên sáng nay (28/8), khi các thị trường bước vào giao dịch cuối cùng của tháng 8.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước