Từ 10/4, áp dụng chính sách tiền lương mới khối doanh nghiệp Nhà nước

Theo Dân trí-Thứ ba, ngày 09/04/2024 09:23 GMT+7

VTV.vn - Từ ngày 10/4, Nghị định 21/2024/NĐ-CP quy định về tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chính thức có hiệu lực.

Nghị định 21/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Điều 1 của Nghị định 21/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 4 của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP, quy định chi tiết về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương.

Theo đó, doanh nghiệp căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động để xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định tại Nghị định này.

Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.

Nghị định 21/2024/NĐ-CP cũng quy định chi tiết hơn các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động, lợi nhuận kế hoạch so với thực hiện của năm trước mà doanh nghiệp có thể loại trừ khi xác định quỹ tiền lương kế hoạch.

Điều 2 của Nghị định 21/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 3 của Nghị định số 52/2016/NĐ-CP, quy định chi tiết hơn về việc xếp lương đối với người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách.

Theo đó, căn cứ vào cơ cấu tổ chức quản lý, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xây dựng, ban hành bảng lương và xếp lương đối với người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách làm cơ sở để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Các mức lương trong bảng lương do Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương tính theo các mức lương trong bảng lương không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách theo quy định tại Nghị định này.

Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung bảng lương của người quản lý, Kiểm soát viên, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận và công khai tại công ty trước khi thực hiện.

Trong phần phụ lục, Nghị định 21/2024/NĐ-CP sửa đổi hạng công ty dùng để xác định mức tiền lương cơ bản của người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách quy định tại Phụ lục 1 Nghị định số 52/2016/NĐ-CP.

Sau khi sửa đổi, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được chia thành 6 hạng với những điều kiện cụ thể để xếp hạng.

Từ 10/4, áp dụng chính sách tiền lương mới khối doanh nghiệp Nhà nước - Ảnh 1.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

tiền lương

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước