Tự doanh chứng khoán và nỗi oan "đánh bài xem được bài người khác"?

Thùy An-Thứ tư, ngày 04/05/2022 14:46 GMT+7

VTV.vn - Tự doanh là hoạt động mà công ty chứng khoán đóng vai trò như một nhà đầu tư trên thị trường.

Với tự doanh, các công ty chứng khoán sẽ mua bán chứng khoán cho chính mình thông qua cơ chế giao dịch khớp lệnh, thoả thuận trên các sàn chứng khoán hoặc thị trường phi tập trung. Mục đích của hoạt động này là thu lợi nhuận từ chênh lệch giá và dự trữ để đảm bảo tính thanh khoản của thị trường.

Gần đây liên quan đến các bên mua bán trên thị trường, có không ít nhà đầu tư nhận định rằng hoạt đông tự doanh vừa đưa khuyến nghị, vừa mua bán, phí giao dịch thấp hơn nhà đầu tư cá nhân, điều này tạo ra sự không công bằng trên thị trường. Thậm chí có người còn cho rằng, tự doanh chứng khoán giống việc "đánh bài xem được bài người khác", và điều này là không công bằng với nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Tự doanh thực sự có nhiều lợi thế?

Nói về tự doanh chứng khoán, ông Nguyễn Tuấn Anh - Nhà sáng lập của FinPeace cho rằng tự doanh không hoàn toàn có lợi thế so với các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

"Trước đây có làm tự doanh tại một công ty chứng khoán với danh mục tư doanh lớn tương đương thanh khoản của một ngày. Lý thuyết mà nói nếu chẳng may là ấn nhầm 1 lệnh thì có khi giảm cả sàn", ông Tuấn Anh cho biết.

Tự doanh chứng khoán và nỗi oan đánh bài xem được bài người khác? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Nhà sáng lập của FinPeace cho rằng tự doanh không hoàn toàn có lợi thế so với các nhà đầu tư nhỏ lẻ

Theo ông này, nhiều người nghĩ rằng danh mục lớn sẽ thuận lợi nhưng thực ra hoàn toàn trái ngược. Bởi danh mục tự doanh to nhưng nếu không phù hợp với tính thanh khoản của thị trường thì tự doanh không thể ra được hàng.

Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân có lợi thế với danh mục nhỏ hơn, linh hoạt hơn, dễ di chuyển hơn với thanh khoản trên thị trường.

Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh khẳng định không có bất cứ một công ty chứng khoán nào lại mang hàng tự doanh đi ra khuyến nghị nhà đầu tư. Đặc biệt là các công ty chứng khoán lớn sẽ không làm điều này, bởi sẽ ảnh hưởng đến uy tín cùng với đó là các yếu tố liên quan đến pháp luật.

Nỗi oan "đánh bài xem được bài người khác"?

Về quan điểm tự doanh chứng khoán giống như việc "đánh bài xem được bài người khác", ông Phạm Lưu Hưng – Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI cho biết với riêng SSI, tỷ lệ tự doanh thuần túy (công ty chứng khoán đầu tư giống như một nhà đầu tư bình thường) rất thấp. Phần lớn giao dịch tự doanh đến từ việc phục vụ khách hàng, liên quan đến sản phẩm công ty thực hiện.

Ông Hưng nhấn mạnh nếu cho rằng tự doanh chứng khoán giống như việc "đánh bài xem được bài người khác" là có phần hơi "oan". Theo ông Hưng, hầu hết các giao dịch tư doanh đều phải công bố hàng ngày lên Sở giao dịch chứng khoán. Và rất nhiều người có khả năng nhìn được các giao dịch đó.

"Nếu tôi nhìn được các giao dịch hàng ngày, sau đó dựa trên các thông tin này để thực hiện các giao dịch có lãi rất là khó bởi tôi cũng không hiểu tại sao mọi người lại giao dịch như thế", ông Phạm Lưu Hưng nhấn mạnh.

Tự doanh chứng khoán và nỗi oan đánh bài xem được bài người khác? - Ảnh 2.

ông Phạm Lưu Hưng – Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI cho rằng dù biết được thông tin giao dịch thì cũng rất khó để nắm bắt được xu hướng thị trường

Theo ông này, đằng sau mỗi lệnh mua là một lệnh bán, rất khó để hiểu được xu hướng thị trường, và ai sẽ là người quyết định xu hướng.

Quyền được dừng lại

Nói thêm về vấn đề thông tin giao dịch, ông Nguyễn Tuấn Anh - Nhà sáng lập của FinPeace cho biết khi còn làm tự doanh nếu có thông tin tự doanh A, B hay C làm cái gì thì ông cũng không có nhu cầu xem.

"Nếu bảo xem được bài người khác thì việc xem đấy bị chậm hơn một nhịp (người ta đặt lệnh xong rồi thì mình mới được xem), giống như đi sau lưng vậy. Tôi không tin những người đi sau có thể thành công. Đi trước về mặt tư duy: Biết mua vì lý do gì và bán vì lý do gì mới đem lại thành công cho người tự doanh", ông Tuấn Anh khẳng định.

Ông này cũng cho rằng không một công ty chứng khoán nào tự nhiên đi giao tiền cho một ai "tự tưng tự tác" thích "con" gì thì mua. Việc giao dịch phải xuất phát từ quy trình trong nội bộ công ty.

Tự doanh chứng khoán và nỗi oan đánh bài xem được bài người khác? - Ảnh 3.

Nhà sáng lập của FinPeace cho rằng quyền lực lớn nhất của những nhà đầu tư nhỏ lẻ là quyền được chọn dừng lại bất cứ lúc nào

Nhà sáng lập của FinPeace lấy thêm ví dụ giữa người đi chơi bạc và chủ sòng bạc. Ông Tuấn Anh cho rằng người chơi bạc có lợi thế hơn bởi có một quyền rất quan trọng, nhưng rất ít người dùng đó là quyền được chọn dừng lại bất cứ lúc nào.

"Sòng bạc hay những tay chơi lớn không có quyền dừng lại, họ phải tiên lục cung cấp thanh khoản, liên tục có mặt trên" thị trường", ông Tuấn Anh khẳng định.

Theo ông Tuấn Anh, quyền lực của nhà đầu tư nhỏ là quyền được dừng lại. Quyền lực nhà đầu tư lớn là tạo xu hướng. Hai quyền lực này này cân đối thì sẽ tạo ra thị trường

Cách đây ít ngày, trả lời quan điểm cho rằng chỉ ở Việt Nam mới có việc các công ty chứng khoán vừa quản lý tài khoản, tư vấn lại vừa thoải mái đầu tư chứng khoán, Bộ Tài chính cho biết theo thông lệ quốc tế, công ty chứng khoán được phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.

"Khoản 1 Điều 72 Luật Chứng khoán đã quy định, công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán gồm: Môi giới chứng khoán, Tự doanh chứng khoán, Bảo lãnh phát hành chứng khoán và Tư vấn đầu tư chứng khoán", Bộ Tài chính dẫn quy định pháp luật.

Theo Bộ Tài chính, trong quá trình hoạt động, công ty chứng khoán được cấp phép hoạt động nghiệp vụ tự doanh, quản lý tài khoản khách hàng và tư vấn đầu tư chứng khoán có thể có xung đột lợi ích với khách hàng.

"Do vậy, để ngăn ngừa, Luật Chứng khoán (Điều 89) và các văn bản hướng dẫn (Thông tư số 121/2020/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hoạt động công ty chứng khoán) đã quy định hạn chế xung đột lợi ích giữa khách hàng và công ty chứng khoán (Điều 4, 13, 22) theo đó, công ty chứng khoán có nghĩa vụ ưu tiên quyền lợi và bảo vệ tài sản khách hàng", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Về công tác quản lý giám sát, Bộ Tài chính cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện giám sát thường xuyên liên tục qua báo cáo hoặc kiểm tra tại chỗ hoạt động của các công ty chứng khoán nhằm đảm bảo các công ty chứng khoán hoạt động tuân thủ quy định pháp luật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước