Từ vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ đến "ô bàn cờ và số thóc vĩ đại"

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 16/03/2024 13:00 GMT+7

VTV.vn - Điều mà dư luận quan tâm là cách tính lãi phạt của ngân hàng như thế nào để từ một khoản nợ 8,5 triệu đồng có thể trở thành 8,8 tỷ đồng.

Câu chuyện tiêu thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, ôm nợ 8,8 tỷ đồng sau 11 năm gây xôn xao trên mạng xã hội trong những ngày qua. Cụ thể, năm 2013, một khách hàng được cho là vay thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng nhưng không đóng lãi nhiều năm, đến nay - năm 2024, cả gốc lẫn lãi phải trả là 8,8 tỷ đồng. Đây là câu chuyện giữa Eximbank và một khách hàng tại Quảng Ninh.

Từ vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ đến ô bàn cờ và số thóc vĩ đại - Ảnh 1.

Làm thế nào một khoản nợ 8,5 triệu đồng có thể trở thành 8,8 tỷ đồng?

Vào thế kỷ VI, vua Ấn Độ đã dự định ban thưởng cho nhà thông thái - người phát minh ra môn cờ vua bằng vàng bạc châu báu. Tuy nhiên, nhà thông thái đã từ chối và đề nghị được ban thưởng bằng các hạt giống với cách tính dựa trên chính bàn cờ vua. Ở ô thứ nhất đặt 1 hạt giống, ô thứ hai là 2 hạt, ô thứ ba là 4 hạt và cứ thế, ô tiếp theo sẽ có số hạt giống gấp đôi ô trước cho tới khi hết 64 ô của mặt bàn cờ vua.

Và để đếm hết số hạt giống này sẽ phải mất đến hơn 60 tỷ năm. Nếu xếp toàn bộ số hạt giống vào các nhà kho có chiều cao 4m, chiều rộng 10 m và đặt các nhà kho liền nhau thành một con đường thì con đường này có chiều dài lên tới 300 triệu km, gấp đôi khoảng cách từ Trái đất đến mặt trời.

Về cách tính lãi suất của ngân hàng Eximbank, một số chuyên gia cho rằng, có thể trong trường hợp này, ngân hàng đã sử dụng phương pháp tính lãi gộp, tức là toàn bộ phần tiền nợ, phần tiền lãi và các khoản phí phạt trả chậm đều sẽ được tính thành nợ gốc cho năm tiếp theo. Vì vậy, lãi suất hàng năm có thể lên đến hơn 90%, tức là gần gấp đôi sau từng năm.

Nếu giống như cách tính hạt giống trên bàn cờ, sau 10 năm, khoản lãi sẽ là gấp khoảng 1.024 lần khoản nợ gốc ban đầu, do đó, từ 8,5 triệu đồng trở thành 8,8 tỷ đồng không phải là chuyện quá khó hiểu.

Điều mà dư luận quan tâm nhất lúc này là cách tính lãi phạt và phí chậm trả của ngân hàng này liệu có đúng là phù hợp với quy định pháp luật hay không?

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: "Thường một vài tháng, cùng lắm 1 - 2 năm giải quyết xong. Có thể đàm phán với nhau, miễn giảm gốc lãi, hoặc xóa nợ chẳng hạn. Nhưng trường hợp này quá lâu và con số quá lớn khiến người ta giật mình".

Luật sư Trần Minh Hải - Công ty Luật Basico - cho biết: "Bất cứ khách hàng nào cũng nhìn nhận thấy có rất nhiều rủi ro từ thẻ tín dụng mà trong đó, rủi ro tính lãi là rủi ro thường trực đề phòng. Đứng từ phía khách hàng, cần phải làm rõ và lưu ý về cơ chế thông báo giữa ngân hàng và khách hàng. Khi có khoản vay tính siêu lãi như vậy, ngân hàng cần có trách nhiệm, không thể áp dụng quy trình thông thường với khách hàng, thậm chí cần một quy trình đặc biệt để rút ngắn hậu quả tín dụng mà khách hàng có thể gặp phải".

Nhiều chuyên gia ngân hàng chia sẻ, phần lớn các ngân hàng hiện nay thường áp dụng theo thông lệ là đối với một khoản nợ thẻ tín dụng đã bị chuyển thành nợ xấu, các ngân hàng sẽ khoanh nợ sau khi tính cả gốc, lãi và tiền phạt. Do đó, dù có 10 hay 11 năm, tiền lãi cũng sẽ chỉ dừng ở mức 60 triệu đồng để không tạo áp lực nợ không thể trả đối với khách hàng.

Nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, chủ thẻ bị ngân hàng đòi 8,8 tỉ đồng sau 11 năm Nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, chủ thẻ bị ngân hàng đòi 8,8 tỉ đồng sau 11 năm

VTV.vn - Ngân hàng nhấn mạnh đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước