Mức biến động tỷ giá rất nhỏ, thậm chí có thể coi là không xáo trộn suốt từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy thoái, chính sách điều hành tiền tệ nhiều quốc gia thay đổi. Có được điều này là nhờ dự trữ ngoại hối cao kỷ lục. Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ và nguồn lực để điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đáp ứng cung - cầu thị trường.
Ngay khi hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này lập tức tăng thêm 600 triệu USD so với tháng trước. Mức xuất siêu đến giữa tháng 9 của cả nước tăng lên gần 15 tỷ USD.
Người dân giao dịch tại ngân hàng
Việc duy trì thặng dư thương mại từ xuất khẩu hàng hoá là nguồn cung ngoại tệ lớn góp phần ổn định tỷ giá trong nước.
Đến nay là gần 5 năm mức lãi suất tiền gửi USD về 0%. Do vậy dù trong dịch bệnh, lãi suất tiền gửi VNĐ liên tục được điều chỉnh giảm về 3 - 4% để tiết giảm chi phí lãi vay cho doanh nghiệp vẫn không làm cho nhu cầu nắm giữ ngoại tệ trở nên hấp dẫn.
Trong bối cảnh của năm nay, các chuyên gia cho rằng sẽ khó có biến động lớn với tỷ giá do xuất khẩu vẫn khả quan nhờ các Hiệp định thương mại tự do phát huy hiệu quả. Cầu nhập khẩu vẫn suy yếu do tiêu dùng còn thấp sau dịch bệnh. Có chăng là yếu tố khách quan đến từ địa chính trị của các nước lớn.
Thông điệp mới nhất của Ngân hàng Nhà nước khẳng định từ nay đến cuối năm tỷ giá sẽ mua/bán ngoại tệ can thiệp thị trường linh hoạt nhằm ổn định tỷ giá, không để bị động trước diễn biến quốc tế và phù hợp với cân đối vĩ mô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!