65% số dòng thuế được xóa bỏ
Hiệp định UKVFTA được ký kết thần tốc, khép lại một năm dấu ấn kinh tế đối ngoại của Việt Nam, tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam là trung tâm của dòng chảy thương mại, tự cường trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, 65% số dòng thuế đã được xóa bỏ và sẽ tăng lên 99% sau 6 năm Đối với hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Anh, Việt Nam kế thừa toàn bộ cam kết trong EVFTA. Theo đó, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan với 48,5% số dòng thuế, sau 6 năm là gần 91,8% số dòng thuế. Sau 9 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế.
Ngay khi hiệp định UKVFTA có hiệu lực, những ngành như: thủy hải sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày… của Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Anh hiện đứng thứ 16 trong số các quốc gia có đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký gần 4 tỷ USD, một quốc gia đang được ghi nhận là nhà đầu tư lớn thứ năm trên toàn cầu và hiện đang theo đuổi chiến lược "Nước Anh toàn cầu". Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh đạt 6,6 tỷ USD.
Dư địa tăng trưởng tại thị trường Anh cho hàng Việt Nam còn rất lớn vì các sản phẩm xuất khẩu mới chỉ chiếm gần 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD (năm 2019) của nước này. Ngay khi hiệp định này có hiệu lực, những ngành như: thủy hải sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày… của Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn.
Cơ hội xuất khẩu gạo sang Anh từ UKVFTA
Theo Bộ Công thương, Anh hiện đang là một trong 10 nước nhập khẩu gạo có giá trị cao nhất thế giới, với kim ngạch nhập khẩu là 531,1 triệu USD trong năm 2019. Đây là thị trường có yêu cầu khắt khe tương đồng với EU và đa phần nhập khẩu các loại gạo thơm ngon có chất lượng cao.
Theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Anh, mức thuế nhập khẩu trong hạn ngạch với gạo Việt Nam sẽ giảm xuống còn 0%. Đây được coi là cơ hội mở rộng thị trường cho các chủng loại gạo thơm của Việt Nam.
"Anh dành cho Việt Nam là 13.358 tấn/ năm, trong đó có 5.001 tấn là gạo thơm. Đây là cơ hội cho gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu sang Anh trong thời gian tới", ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhận định.
Theo phân tích của Bộ Công Thương, việc miễn thuế trong hạn ngạch theo hiệp định này sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn cho sản phẩm gạo của Việt Nam, bởi các quốc gia khác xuất khẩu gạo sang Anh vẫn phải chịu mức thuế 17,4%.
Việc miễn thuế trong hạn ngạch theo hiệp định UKVFTA sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn cho sản phẩm gạo của Việt Nam. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Cùng với đó, nếu Anh và EU không đạt được thỏa thuận về Hiệp định thương mại tự do thời kỳ hậu Brexit, thì gạo của các nước thành viên EU sẽ không còn được miễn thuế khi xuất khẩu sang Anh sau ngày 31/12/2020.
Theo tính toán, giá trị thuế nhập khẩu mà hàng hóa Việt Nam tiết kiệm được khi vào Anh ước đạt 3.500 tỷ đồng/năm, có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên hiệp định được ký kết cũng chỉ là việc mở được cánh cửa, nhưng muốn có được cơ hội từ cánh cửa đó thì chúng ta phải vượt qua những thách thức, quy định chặt chẽ để bước chân vào cánh cửa đó.
Hàng hóa của Việt Nam mới chỉ chiếm 1% của thị phần xuất khẩu vào Anh. Vậy chúng ta cần có một lộ trình tổng thể nào để triển khai FTA này hiệu quả và phải đáp ứng các điều kiện nào?
Câu trả lời phần nào sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 31/12 với sự tham gia của ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!