Hiện là thời điểm thu hoạch rộ nhiều loại nông sản như thanh long, xoài, cây có múi, bưởi, mít... Đây là những nông sản có lượng xuất khẩu lớn sang thị trường Trung Quốc.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các biện pháp kiểm soát hàng hóa giữa hai bên ngày càng thắt chặt, để đảm bảo thông thương nông sản đòi hỏi cần có những giải pháp dài hơi hơn.
Trong 2 tháng qua, bãi đỗ xe phi thuế quan chờ xuất tại cửa khẩu Tân Thanh chưa khi nào có dưới 1.000 xe. Ông Kiệt (lái xe tỉnh Tiền Giang) chở mít từ Tiền Giang ra, ăn ngủ tại xe đã hơn tuần nay, nhưng chưa thể xuất được hàng.
Theo Trung tâm quản lý cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, nguyên nhân ùn tắc do phía bạn đã tạm dừng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, nhưng hàng từ nhiều địa phương vẫn đổ về nên chưa thể xuất đi.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn dịch, từ ngày 26/9 tất cả các lái xe Việt Nam đều phải bàn giao xe cho lái xe nước bạn, trong khi lượng lái xe chuyên trách phía Trung Quốc bị thiếu hụt nên đây cũng là nguyên nhân khiến việc ùn tắc kéo dài.
Hai tháng cuối năm, lượng xe chở nông sản đổ lên biên giới ngày một tăng. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
"Hàng hóa chúng ta chưa ký kết được hợp đồng với bên Trung Quốc thì chúng ta nên cân nhắc. Tôi cho rằng cần hạn chế đến mức thấp nhất lượng hàng hóa đưa lên cửa khẩu để tránh thiệt hại, phát sinh chi phí phát sinh không đáng có, đặc biệt là hàng nông sản và hàng tươi sống", Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Hữu Vượng cho hay.
Ngay lúc này, trong khi Việt Nam thực hiện chính sách linh hoạt với dịch bệnh, phía Trung Quốc vẫn thực thi chính sách "Zero COVID". Chỉ cần 1 ca nhiễm theo tài xế xuất hàng, cửa khẩu đó sẽ bị đóng lại mọi hoạt động giao thương. Để hạn chế những rủi ro này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng các địa phương tìm giải pháp dài hạn hơn.
"Vừa qua, chúng tôi cũng đã tham mưu, phối hợp với Lạng Sơn nghiên cứu, bố trí những khu vực có tính chất trung chuyển. Với chính sách "Zero COVID", chúng ta hoàn toàn có thể thu hút được nguồn lực của các doanh nghiệp ở cả 2 phía đầu tư, bố trí trung tâm logistics khu vực gần biên giới để tất cả hàng nông sản khi chuẩn bị xuất sang biên giới thì trung tâm logistics này sẽ bảo quản chặt chẽ", Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.
Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản thông báo phản ánh của cơ quan chức năng phía Trung Quốc về việc xe thanh long xuất khẩu của Việt Nam và một số xe nhãn tươi của nước thứ 3 quá cảnh qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có kết quả dương tính với COVID-19. Việc lưu thông sẽ ngày càng khó khăn hơn khi tại 3 cửa khẩu ở Lạng Sơn là Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma hiện vẫn tồn hơn 3.000 xe hàng.
Không chỉ kiểm soát dịch bệnh, thị trường Trung Quốc cũng đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị các địa phương bên cạnh đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thì cần có thông báo chính xác lượng hàng hóa để có thể chủ động bố trí hạ tầng, kiểm dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc tăng chi phí và thời gian chờ thông quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!