Câu hỏi "Phải học tập và làm việc như thế nào để nhà tuyển dụng nhận vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng" của một bạn sinh viên đang dành rất nhiều sự chú ý.
Trong bối cảnh hơn 200.000 thạc sĩ, cử nhân đại học thất nghiệp, việc một người trẻ đề xuất mức thu nhập nghìn đô khiến nhiều người ngỡ ngàng và dè bỉu. Vừa mới ra trường đã có tư tưởng ham trèo cao, chưa có kinh nghiệm gì đã ảo tưởng sức mạnh.
Tuy nhiên, đó chỉ là cái đích về thu nhập và bạn sinh viên mong muốn được chỉ đường để đến cái đích đó, bằng câu hỏi đầy tính nhận thức dành cho nhà tuyển dụng: "Phải học tập và làm việc như thế nào?". Vì thế, 2.000 USD chỉ mang tính biểu trưng và đại diện cho ước mơ chân chính của người lao động - tờ Tuổi trẻ bình luận.
Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn Nguyễn Duy Hưng chia sẻ trên báo Người đồng hành: "Ở đời, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, nhưng không dám mưu sự sao thành được sự. Huống hồ 2.000 USD hông phải là một con số quá viển vông với những người trẻ tài năng và đột phá".
Có thể thấy rằng, bạn sinh viên đã ý thức rất rõ mục tiêu của mình và tham vấn kinh nghiệm từ người đi trước, đó là một điều rất đáng quý. Nhưng vì sao tư duy đột phá này lại nhận gạch đá từ dư luận? Bởi, nhiều người đã cảm thấy thỏa mãn với mức lương của mình, sống "bình yên", ngại thay đổi. Họ sợ sự khác biệt, sợ điều lạ như con số 2.000 USD. "Chẳng phải chúng ra muốn đất nước giàu có sao? Vậy thì phải nghĩ lớn và ước mơ lớn!" - tờ Tuổi trẻ bình luận trong bài "Ưóc mơ lương 2.000 USD có gì sai?".
Câu hỏi của bạn sinh viên: "Học và làm như thế nào để có lương 2.000 USD/tháng?" là một câu hỏi đa chiều rất thú vị, nên có rất nhiều góc nhìn cho câu trả lời. Sau khi nghe câu hỏi, nhà tuyển dụng đại diện cho doanh nghiệp đã hỏi ngược lại: "Bạn đòi 2.000 USD, vậy bạn có tạo cho tôi doanh thu 10.000 - 15.000 USD hay không?"
Với doanh nghiệp, doanh thu là trên hết. Một câu trả lời khiến người hỏi bế tắc. Trong khi đó, kinh nghiệm hay lại đến từ những người cũng từng ước mơ và đạt được mức lương nghìn đô. Hãy đặt mục tiêu sớm để giải quyết những vấn đề kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm ngay khi học đại học; sau đó tạm quên con số 2.000 USD đi và không ngừng nỗ lực làm việc, chấp nhận rủi ro, kết quả trong tương lai sẽ là câu trả lời cho chính câu hỏi của bạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!