Vì sao một bộ phận người nông dân dân tộc thiểu số mắc nợ và làm ăn thiếu hiệu quả. Phương thức chuyển đổi sinh kế nào có thể đặt ra để giải quyết tình trạng này? Đây là nội dung được đề cập tại Diễn đàn chính sách nông nghiệp "Chuyển đổi sinh kế và tình trạng tài chính của dân tộc thiểu số" do Viện Liên minh Nông nghiệp tổ chức chiều 9/12 tại Hà Nội.
70% mục đích các khoản vay là để đầu tư cho nông nghiệp, khoảng 90% số hộ được hỏi cho biết lo lắng về gánh nặng nợ. Thống kê này phản ánh thực trạng nợ đang diễn ra với bà con dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk, Lâm Đồng.
Anh Y Thin Bya, Dân tộc Ê đê - Ea Kar, Đắk Lắk cho biết: “Hiện nay nợ đầu tư cho cây cà phê, cây bắp và nợ chăn nuôi. Đối với bà con ở Đắk Lắk hiện nay, hộ nào không có nợ là ít lắm”.
Thay vì vay ở các ngân hàng với lãi suất thấp như chính sách quy định, phần lớn các hộ dân này đang phải vay từ tư nhân với mức lãi cao bởi thủ tục đơn giản, nhanh chóng và không yêu cầu thế chấp.
Để giải quyết những khó khăn về nợ tín dụng cho bà con dân tộc thiểu số, nhiều khuyến nghị cả ngắn hạn và dài hạn đã được đưa ra, bao gồm các công cụ tài chính, tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, cũng như đề xuất các mô hình sinh kế và phát triển.
Chính sách xóa đói giảm nghèo nếu dựa trên thế mạnh và khơi dậy tiềm năng của đối tượng sẽ đạt kết quả khả thi. Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường luôn phát triển. Do đó, việc trang bị kỹ năng, kiến thức để người dân tộc thiểu số có thể tham gia thị trường là điều cần thiết, chứ không chỉ phụ thuộc vào đất đai, tài nguyên rừng như hiện tại.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!