“Ví điện tử” thành ví... “tiền tử”

Chinh Vũ-Thứ tư, ngày 08/12/2021 15:18 GMT+7

VTV.vn - Gần cả trăm điểm bán, đại lý ở nhiều tỉnh, thành rơi vào cảnh "tiền mất tật mang" khi thanh toán cước cho người dân qua ứng dụng Ecobe, được quảng cáo là ví điện tử.

Ứng dụng này đột ngột "sập", mất khả năng thanh toán. "Ví điện tử" bỗng chốc trở thành ví... "tiền tử". Hàng tỷ đồng trở thành "tiền chết" của những điểm bán tham gia ứng dụng có tên là Ecobe.

Anh Duy Anh làm đại lý thu hộ cho một doanh nghiệp trung gian thanh toán, ví điện tử lớn được 2 năm. Tuy nhiên từ tháng 7 năm nay, anh chuyển sang thanh toán chủ yếu qua ứng dụng có tên là Ecobe, bởi có chính sách chiết khấu trực tiếp trên tổng số tiền điểm bán nạp vào ứng dụng để thanh toán cho khách.

Thế nhưng "chiết khấu" hưởng chưa bao lâu, khoản "nợ xấu" hơn 350 triệu đã ập tới. Bắt đầu với tình trạng tiền thể hiện trên ứng dụng thì đã trừ, nhưng thanh toán thực tế lại "từ từ".

"Hóa đơn em gạch từ 15/7, nhưng đến khoảng 20 - 30/7 mới xong, nhưng vẫn được trả lời là do hệ thống lỗi nên mình vẫn tin tưởng, nên đầu tháng mình vẫn nạp tiền để thanh toán tiếp. Tổng 2 app em nạp vào là 354 triệu. Đến một ngày, hệ thống thông báo không thanh toán được, không có khả năng quy đổi ra tiền Việt cho mình nữa. Hiện tại 2 tháng nay, app gần như treo hoàn toàn", anh Phạm Duy Anh, chủ hộ kinh doanh Quốc Huy, tỉnh Đồng Nai, cho biết.

“Ví điện tử” thành ví... “tiền tử” - Ảnh 1.

Nhìn bên ngoài, cách thức ứng dụng Ecobe hoạt động tương tự như các công ty trung gian thanh toán phổ biến trên thị trường. Hầu hết các trung gian thanh toán được cấp phép hiện nay đều có hợp đồng đại lý thu hộ với nhà cung cấp dịch vụ điện, nước, cước điện thoại hay thẻ game...

Để mở rộng, một số doanh nghiệp phát triển mạng lưới đại lý nhỏ hơn, với mức chiết khấu khác nhau theo từng sản phẩm dịch vụ, nhưng nhìn chung không quá chênh lệch giữa các đơn vị.

Tuy nhiên, ứng dụng Ecobe lại mời chào điểm bán hàng bằng một cách khác thường là khuyến mãi tỷ lệ % trực tiếp cho mỗi lần nạp tiền với tần suất hàng ngày, ngày ít là hơn 1%, nhiều thì hơn 2%. Thậm chí vài ngày trước khi ứng dụng sập, Ecobe đẩy mức chiết khấu lên 3 - 3,5%.

“Ví điện tử” thành ví... “tiền tử” - Ảnh 2.

Vài ngày trước khi ứng dụng sập, Ecobe đẩy mức chiết khấu lên 3 - 3,5%.

"Tháng 8 họ khuyến mãi lên đến 3%. Nạp 1 tỷ được 30 triệu. Chưa bao giờ có như vậy luôn. Công ty giải thích nhà đầu tư có những gói khuyến mãi 3%. Họ nói nạp tiền đi, qua dịch không có mức chiết khấu như vậy đâu. Mình nghĩ đang dịch tiền để làm gì đâu, cứ nạp vào đó để giải ngân cho khách hàng. Nạp xong "dính" luôn 500 triệu. Cả gia tài bỏ hết vào đó", người tham gia làm đại lý bán hàng của ứng dụng Ecobe chia sẻ.

Theo thống kê, hơn 70 người ở nhiều tỉnh, thành đang bị thiệt hại vì tham gia Ecobe, với số tiền bị giam trong ứng dụng là gần 6 tỷ đồng.

Giải thích với các điểm bán, Giám đốc Công ty Ecobe cho rằng ứng dụng đi theo mô hình kinh doanh khởi nghiệp startup phải chấp nhận chịu lỗ, hiện đang chờ nhà đầu tư rót vốn và khuyến khích tiếp tục thanh toán.

"Cho Ecobe một cơ hội để nhà đầu tư vào trực tiếp đầu tư vào Ecobe. Lúc đó Ecobe sẽ có nguồn kinh phí chi trả. Có lý do để em nói chuyện với nhà đầu tư là Ecobe sẽ đấu nối với các nhà cung cấp mới. Ngoài những nhà cung cấp cũ mà hiện tại đang có, hướng của em là vẫn muốn Ecobe hoạt động duy trì tiếp. Mọi người có thể nạp một vài trăm. Nạp đến đâu, thanh toán đến đó. Đó là hướng để cho nhà đầu tư thấy mình vẫn đang hoạt động bình thường", Giám đốc Công ty Cổ phần Ecobe Lê Văn Quang cho hay.

Ecobe hoạt động công khai không khác gì các trung gian thanh toán. Tuy nhiên theo danh sách trung gian thanh toán được cấp phép của Ngân hàng Nhà nước, không có đơn vị nào là Công ty Cổ phần Ecobe. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước