Vì sao chậm giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 21/08/2022 16:05 GMT+7

VTV.vn - Sau 3 tháng triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, dù NHNN và các cơ quan liên quan đã rất cố gắng, nhưng kết quả là ít doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay này.

Theo báo Tiền phong, khoản vay ưu đãi 40.000 tỷ đồng chỉ bằng 1/10 dư nợ cho vay của toàn hệ thống. Như vậy, cứ 10 doanh nghiệp, chỉ có 1 doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay ưu đãi này và ngân hàng phải lựa chọn kỹ để tránh cho vay chưa đúng đối tượng.

Báo Đại biểu Nhân Dân cho rằng, việc chậm giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% là rất đáng tiếc khi nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng gói hỗ trợ này đang khát vốn. Nếu được hỗ trợ kịp thời, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn, như vậy mới có cơ hội đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tờ Thời báo tài chính dẫn lời Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú giải thích hạn mức tín dụng (room) là một công cụ hành chính, kinh nghiệm của nhiều nước có nền kinh tế thị trường hàng trăm năm cũng có lúc phải sử dụng công cụ hành chính để điều hành.

Nhìn lại lịch sử giai đoạn từ 2001 - 2007, tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức rất cao, bình quân trên 30% một năm, kỷ lục lên đến 51,54% trong năm 2006. Hệ quả là Ngân hàng Nhà nước đã phải thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, trong đó có việc phải đưa ra hạn mức tín dụng nhằm kiểm soát các rủi ro từ việc ngân hàng cho vay quá nhiều.

Vì sao chậm giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%? - Ảnh 1.

Việc chậm giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% là rất đáng tiếc khi nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng gói hỗ trợ này đang khát vốn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Ngân hàng Nhà nước thận trọng vì lo ngại lạm phát và nợ xấu gia tăng, nhưng trong bản kiến nghị do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ vừa gửi báo cáo lên Thủ tướng cho hay, hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang gặp tình trạng khó vay vốn ngân hàng.

Tờ Đại biểu Nhân dân chỉ ra 3 nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó vay: một là quy mô doanh nghiệp hầu hết là vừa và nhỏ, tài sản đảm bảo thấp; hai là dòng tiền của các doanh nghiệp cũng nhỏ và không ổn định nên về cơ bản không thỏa mãn được các điều kiện tiếp cận vốn ưu đãi, vốn vay trung và dài hạn; ba là các ngân hàng không còn hạn mức tín dụng.

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân nhận định, nếu không giải quyết vấn đề cho vay tín dụng thì các doanh nghiệp và hộ kinh doanh này sẽ có nguy cơ phá sản. Trong khi đó doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò như những doanh nghiệp vệ tinh hỗ trợ các doanh nghiệp và tập đoàn lớn trong quá trình triển khai những dự án trọng điểm của đất nước. Nếu những doanh nghiệp này phá sản thì hậu quả là rất nặng nề.

Dẫn số liệu gần 1,1 triệu tỷ đồng thu ngân sách nhưng chính sách tài khóa không thể hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, trong khi chiến lược lâu dài cho ổn định vĩ mô là lấy ngắn nuôi dài, phải hỗ trợ doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu về sau, tờ Diễn đàn Doanh nghiệp bình luận đã đến lúc Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần định vị lại mục tiêu lạm phát, dùng chính sách tài khóa kết hợp nhuần nhuyễn với chính sách tiền tệ đưa câu chuyện bơm vốn cho doanh nghiệp được thông suốt.

Nhiều tờ báo chuyên viết về kinh tế nhận định việc nới trần tín dụng không nên tiến hành đồng loạt, những ngân hàng thực hiện tốt việc cho vay vào lĩnh vực ưu tiên nên xem xét cho nới sớm, đồng thời cũng cần kiểm soát kỹ dòng vốn vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản hay chứng khoán.

Nhấn mạnh tinh thần nhìn thẳng vào thực tiễn để linh hoạt giải quyết bài toán đặt ra, trong cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành về việc hỗ trợ triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước ngay cuối tháng này phải tổ chức hội nghị để tiếp thu ý kiến phản ánh của các ngân hàng thương mại, các bộ, ngành liên quan, bên cạnh đó cần sớm thành lập một số đoàn công tác tiến hành khảo sát tình hình triển khai thực hiện của các ngân hàng để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, theo tờ Thời báo Ngân hàng.

Doanh nghiệp du lịch 'than' khó tiếp cận gói hỗ trợ 2% lãi suất Doanh nghiệp du lịch "than" khó tiếp cận gói hỗ trợ 2% lãi suất

VTV.vn - Sau dịch, tài sản thế chấp, năng lực tài chính không đáp ứng điều kiện của ngân hàng, vay tín chấp thì bất khả thi, đã khiến DN du lịch khóc ròng vì đói vốn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước