Đồ thị về giá trị các thương vụ mua bán sáp nhập tại Việt Nam từ năm 2006 đến nay cho thấy, dù xu hướng chung vẫn là tăng nhưng thị trường chỉ thực sự bứt phá khi có các thương vụ lớn quy mô tỷ USD. Chẳng hạn thương vụ Sabeco bán lại cho ThaiBev đã chiếm gần phân nửa tổng giá trị M&A của cả năm 2017, tương ứng 4.8 tỷ USD. Sự chững lại của hoạt động M&A trong 2 năm trở lại đây là bởi thiếu vắng những thương vụ quy mô như vậy.
"Nguồn hàng" cho những thương vụ thu hút được các "cá mập" ngoại quan tâm là từ hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước. Năm 2019, thương vụ An Quý Hưng thâu tóm doanh nghiệp Nhà nước Vinaconex cũng thuộc dạng này, với giá trị cao nhất năm 320 triệu USD. Tuy nhiên, đây cũng là thương vụ thoái vốn quy mô duy nhất, nguồn cung nhỏ giọt.
Đại diện Cục Tài chính Doanh nghiệp lý giải phần nào do các quy định cổ phần hóa đang được làm chặt chẽ hơn.
Dù vậy đại diện Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh Vốn Nhà nước SCIC cho rằng, một số chính sách hiện nay về phương thức thoái vốn, định giá tài sản hay nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài đang gây vướng cho hoạt động thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. 6 tháng đầu năm, chỉ mới có 4 doanh nghiệp thoái vốn thành công.
Một số lĩnh vực xảy ra tình trạng bị nghẽn cũng do chính sách, chẳng hạn bất động sản: quy định dừng cấp mới dự án tại các quận trung tâm TP.HCM khiến nhiều dự án bất động, đánh mất cơ hội hợp tác đầu tư; lĩnh vực ngân hàng bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài như đòi hỏi nhà đầu tư chiến lược phải có tổng tài sản trên 10 tỷ USD, phải kinh doanh có lãi trong 5 năm.
Trong khi đó, năng lực quản trị của doanh nghiệp Việt Nam vẫn là hạn chế cố hữu nên tốc độ M&A đã chậm mà chất lượng thì vẫn chưa chắc.
Không chỉ với các chính sách hiện hữu, giới luật sư cũng quan ngại về những chính sách sắp có hiệu lực. Chẳng hạn Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Cạnh tranh hiện đang quy định các ngưỡng mà doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan chức năng để điều tra tập trung kinh tế khi M&A. Trong đó có ngưỡng giá trị thương vụ đạt trên 42 triệu USD. Công ty Luật Vilaf tính toán, nếu quy định này có hiệu lực thì nhà đầu tư sẽ phải mất thêm từ 1 đến 3 tháng so với hiện tại mới có thể hoàn tất thương vụ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!