Vì sao vay nặng lãi vẫn có “đất” sống?

VTV Digital-Thứ tư, ngày 23/12/2020 12:20 GMT+7

VTV.vn - Trong những tháng cuối năm, thực trạng cho vay nặng lãi càng trở nên "nóng" hơn khi nhu cầu làm ăn, chi tiêu ngày càng cần thiết.

Chỉ trong 2 tháng cuối năm, các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều băng nhóm hoạt động trong lĩnh vực cho vay nặng lãi tại các tỉnh phía Nam, với hàng trăm người trở thành "con mồi" cho những băng nhóm này.

Tây Ninh triệt phá nhóm cho vay nặng lãi

Mới đây, tại một quán cà phê ở khu phố 4, phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, lực lượng chức năng đã bắt quả tang 1 trong 4 đối tượng đang thu tiền lãi của một người dân sinh sống trên địa bàn.

Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng bắt thêm 3 đối tượng khác từ tỉnh Ninh Bình vào Tây Ninh hoạt động cho vay nặng lãi, thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động này tại phòng trọ của các đối tượng.

"Em cho vay 5 triệu thì lãi suất đóng 31 ngày. Chủ yếu em chỉ cho vay 3 - 5 triệu", bà Phan Thị Hương, đối tượng cho vay nặng lãi tại tỉnh Tây Ninh, cho biết.

"Hơn 100 trường hợp người vay tiền. Tính đến thời điểm này, tiền thu lợi bất chính của các đối tượng là khoảng gần 1 tỷ đồng", ông Đặng Thanh Huy, Đội trưởng Đội Đấu tranh tội phạm, Phòng Cảnh sát hình sự, Côngan Tây Ninh, cho hay.

Vì sao vay nặng lãi vẫn có “đất” sống? - Ảnh 1.

Trong quý III/2020, cơ quan công an các tỉnh phía Nam đã triệt phá hơn 10 vụ cho vay nặng lãi tại các địa phương.

Theo cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh, hoạt động cho vay nặng lãi thường là người nơi khác đến, liên tục thay đổi nơi lưu trú; giấu họ tên, địa chỉ; trực tiếp đến nhà của người dân thu lãi. Lúc đầu vay chỉ từ vài triệu, lãi theo ngày, có trường hợp lãi suất lên đến 600%/năm.

"Các đối tượng này có sự cấu kết chặt chẽ, thường sử dụng người thân, đồng hương để hoạt động; rất manh động, thường xuyên nhắn tin khủng bố đe dọa người vay, cũng như người thân của họ để những người này không dám tố cáo", ông Đặng Thanh Huy cho biết thêm.

Cũng vì phương thức hoạt động tinh vi, dùng thủ đoạn đe dọa khủng bố tinh thần người vay nên các vụ vay nặng lãi được phát hiện và xử lý rất trễ, sau khi người bị hại buộc vào thế phải trình báo với cơ quan chức năng.

Trong quý III/2020, cơ quan công an các tỉnh phía Nam đã triệt phá hơn 10 vụ cho vay nặng lãi tại các địa phương. Tất cả các vụ việc này có một điểm chung là người vay đều mất khả năng chi trả lãi suất.

Thông tin từ cơ quan chức năng cung cấp cho biết, mức lãi suất mà các đối tượng cho vay nặng lãi áp dụng tại các vụ việc được phát hiện trong thời gian qua dao động từ 120 - 720%/năm. Nguyên nhân mức lãi mà người bị hại thường gọi là bị "cắt cổ" xuất phát từ phương thức cộng gộp VỐN + LÃI QUÁ HẠN = VỐN (tháng sau), cứ như vậy tịnh tiến, lãi mẹ đẻ lãi con nên hình thức cho vay nặng lãi trở nên siêu lợi nhuận.

Cũng vì siêu lợi nhuận, các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này đã giàu lên nhanh chóng, thậm chí có trường hợp chấp nhận di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác để đạt được mục đích.

Vay nặng lãi - người tan nhà nát cửa, kẻ vướng vòng lao lý

Đầu tháng 12/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thi hành lệnh khám xét nhà và bắt tạm giam đối với ông Lê Thái Thiện. Sau việc này, nhiều thông tin chấn động trong hoạt động cho vay nặng lãi tại địa phương này mới hé lộ mặc dù hoạt động này đã diễn ra nhiều năm liền.

Ông Lê Thái Thiện được nhiều người biết đến với việc xây dựng căn biệt thự dát vàng nằm ngay mặt tiền Quốc lộ 51. Ngay trong đêm, cơ quan tiến hành khám xét nhà với hàng đống giấy tờ liên quan đến cho vay nặng lãi.

Theo đơn tố cáo của người dân, ông Lê Thái Thiện cho vay nặng lãi và chiếm đoạt tài sản. Lãi suất ông Thiện cho vay lên đến 3,5%/ngày, tương đương 105%/tháng.

Vì sao vay nặng lãi vẫn có “đất” sống? - Ảnh 2.

Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thi hành lệnh khám xét nhà ông Lê Thái Thiện.

"Nếu tính ra thì chỉ khoảng hơn 20 tỷ. Tôi phải trả tới 110 tỷ tiền cấn trừ đất và 27 tỷ tiền mặt", nạn nhân trong vụ vay nặng lãi tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết.

Khám xét nhà của ông Lê Thái Thiện, cơ quan điều tra thu giữ hàng chục thùng tài liệu liên quan đến việc ghi chép cho vay và trả lãi. Bước đầu ông Lê Thái Thiện bị tạm giam 2 tháng và khám xét nơi ở về hai hành vi "cho vay nặng lãi", "rửa tiền".

"Cứ trong vòng 10 ngày phải trả lãi một lần nếu không trả sẽ gộp vào gốc, cứ như vậy lãi mẹ chồng lãi con lên. Vay ban đầu thì ít nhưng cộng lại thì rất nhiều. Cứ 10 ngày cộng lại thay bằng hợp đồng mới", Thượng tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Công an thị xã Phú Mỹ cho hay.

Không chỉ ông Thiện, mà cả con trai ông cũng tham gia vào hoạt động này bằng thủ đoạn rất tinh vi. Cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ việc này.

Vay nặng lãi - Khó xử lý

Thông thường, những vụ việc cho vay nặng lãi bị phát hiện đều có quá trình hoạt động trong thời gian dài. Dư luận thường đặt câu hỏi vì sao không sớm phát hiện xử lý, tuy nhiên đối với loại tội phạm này, cần phải có những yếu tố cấu thành tội.

Theo cơ quan chức năng, đối với tội phạm cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, có 2 dấu hiệu mang tính bắt buộc: thứ nhất là phải có bị hại; thứ hai là phải thu được tang, vật chứng để chứng minh hành vi phạm tội.

Vì sao vay nặng lãi vẫn có “đất” sống? - Ảnh 3.

Tang vật và giấy tờ liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi.

Cũng vì phương thức hoạt động tinh vi, dùng thủ đoạn đe dọa khủng bố tinh thần người vay nên nhóm 4 đối tượng cho vay nặng lãi từ tỉnh Ninh Bình vào Tây Ninh hoạt động từ đầu năm 2020 đến tháng 12/2020 mới bị cơ quan chức năng bắt quả tang và trong số hàng trăm người bị hại, đến nay cơ quan công an mới tiếp cận được 6 người.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đa phần hợp đồng do người cho vay soạn sẵn, sau đó đưa cho người vay ký và không điền thông tin về lãi suất. Những bản hợp đồng này người vay giữ để làm cơ sở cho những phát sinh, tranh chấp sau này.

"Hầu như các hợp đồng đều không có chữ ký của người cho vay và trong hợp đồng cũng không thể hiện mức lãi, gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Để làm rõ được vấn đề này cần mất rất nhiều thời gian", Thượng tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Công an thị xã Phú Mỹ cho biết.

Đây là những vụ việc điển hình trong hoạt động cho vay nặng lãi mà cơ quan chức năng phải gặp nhiều khó khăn mới điều tra được chân tướng. Qua những vụ việc này cho thấy vay nặng lãi chỉ có một kết quả duy nhất là tan nhà nát cửa, đổ vỡ hạnh phúc gia đình...

Cho vay nặng lãi lộng hành: Chính quyền làm ngơ? Cho vay nặng lãi lộng hành: Chính quyền làm ngơ?

Thủ đoạn, phương thức của các đối tượng cho vay nặng lãi không có gì mới nhưng vì sao chính quyền địa phương lại không kịp thời ngăn chặn từ đầu?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước