Việc đi lại vẫn còn "trên thông dưới tắc"

Báo chí toàn cảnh-Chủ nhật, ngày 24/10/2021 14:08 GMT+7

VTV.vn - Theo báo cáo của Bộ Y tế có 26 tỉnh, thành phố đạt tiêu chí vùng xanh. Với các địa phương này, cần mở mọi cánh cửa để cho người dân làm ăn.

Sở dĩ báo chí trong tuần nhắc đi nhắc lại nội dung này là bởi vì vẫn còn nhiều địa phương áp dụng các quy định cứng nhắc, cản trở hoạt động đi lại, làm ăn của người dân.

Cách đây gần nửa tháng, Nghị quyết 128 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 có hiệu lực. Nghị quyết quy định rất rõ đối với việc đi lại của cá nhân từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau.Theo đó, sẽ không hạn chế đi lại với vùng xanh, vùng vàng. Bộ Y tế cũng đã ban hành thêm hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế cho Nghị quyết 128. Thế nhưng, "việc đi lại vẫn còn trên thông dưới tắc".

Tờ Thanh niên dẫn chứng, dù thành phố Hồ Chí Minh trong tuần này đã đạt cấp độ 2 (vùng vàng) nhưng vẫn có một số địa phương quy định người về từ thành phố Hồ Chí Minh phải xét nghiệm theo định kỳ.

Hay như tại các chốt kiểm soát dịch bệnh của tỉnh Ninh Bình ở cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định người dân muốn đi qua đều phải dừng lại khai báo y tế với lý do là nhằm kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, không "ngăn sông cấm chợ". Tương tự tại Lâm Đồng và Kon Tum, mỗi khi qua chốt phòng dịch vẫn phải khai báo y tế và xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính.

Cách mà một số địa phương đang "linh hoạt" với Nghị quyết 128 không chỉ trái tinh thần chỉ đạo của Chính phủ mà còn bất nhất với cả hướng dẫn chuyên môn của ngành y tế. Cứ thế, người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine từ thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam khi về đến các địa phương vẫn phải "cách ly tại nhà đủ 7 ngày".

Tất cả dường như phản ánh tình trạng nhiều lãnh đạo địa phương vẫn chưa từ bỏ tư duy chống dịch "zero COVID" - vốn đã không còn phù hợp tình hình chung.

Tờ Thanh niên bình luận, tình trạng chống dịch mỗi nơi một kiểu, vẫn ngăn sông cấm chợ, vẫn cát cứ cục bộ... với nhiều lý do đang diễn ra bất chấp những hệ lụy cho nền kinh tế. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thành phố Hồ Chí Minh mở cửa đã hơn nửa tháng nay nhưng chỉ có khoảng chục địa phương đồng ý kết nối giao thông liên tỉnh. Kết cục là Vùng kinh tế trọng điểm phía nam thiếu lao động trầm trọng trong khi nhiều công nhân thất nghiệp vẫn không thể trở lại nhà máy.

Đó cũng là một trong những lý do của câu chuyện giá thịt lợn xuống thấp, nông dân thua lỗ trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao. Nút thắt nằm ở khâu vận chuyển vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn (Tờ Nông nghiệp Việt Nam phản ánh).

Giao thông được coi là huyết mạch của nền kinh tế nhưng hệ thống huyết mạch đó đang bị cắt khúc, chặt gãy. Nghị quyết 128 đưa ra nhằm nỗ lực hồi phục kinh tế, song hành cùng việc phòng chống dịch. Thế nhưng, kinh tế làm sao có thể phục hồi khi mỗi tỉnh thành áp dụng một kiểu?

Chính vì thế mà câu hỏi bao nhiêu nỗ lực cùng hàng chục ngàn tỷ đồng bỏ ra để tiêm phủ vaccine cho người dân để làm gì khi mà các địa phương vẫn còn gây khó khăn cho lưu thông hàng hóa lẫn việc đi lại của người dân? Một câu hỏi vẫn chưa có một trả lời chung giữa các địa phương.

Vì thế, thực trạng này, cần phải được chấn chỉnh, không chỉ để đảm bảo kỷ luật hành chính, mà quan trọng hơn là sớm đưa kinh tế hồi phục sau những đứt gãy do tình hình dịch bệnh phức tạp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước