Chiến lược phát triển phương tiện giao thông "xanh" đang trở thành xu hướng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, đây cũng là một trong những giải pháp góp phần hiện đại hóa ngành công nghiệp ô tô song song với mục tiêu bảo vệ môi trường.
Mới đây, Tập đoàn Vingroup - doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sản xuất ô tô điện đã đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm, nhằm hỗ trợ giảm chi phí ban đầu để thúc đẩy sử dụng loại phương tiện "xanh" như ô tô điện.
Chiến lược phát triển phương tiện giao thông "xanh" đang trở thành xu hướng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh minh họa - Dân trí.
Theo IQAir, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí cao thứ 21 trên thế giới, gây thiệt hại cho nền kinh tế tới 13,6 tỷ USD mỗi năm. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 03 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, trong đó giao Bộ GTVT khẩn trương xây dựng đề án quốc gia về phát triển phương tiện giao thông sạch, trong đó có xe điện.
"Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, trong đó việc tạo hành lang pháp lý cho nội dung về phát triển xe điện cũng đã được quan tâm trong quá trình xây dựng dự thảo luật", ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải nói.
Tại Việt Nam, mới đây đã xuất hiện những chiếc xe bus điện "Made in Vietnam" đầu tiên. Theo các chuyên gia, khi thị trường đã có doanh nghiệp tham gia vào việc vừa phát triển công nghệ cao, vừa thúc đẩy giao thông xanh, bảo vệ môi trường thì cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời. Không chỉ là hỗ trợ tài chính, mà còn cả về cơ sở hạ tầng để hình thành một hệ sinh thái xanh.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho hay: "Việc sử dụng xe điện với giá rẻ sẽ được khuyến khích hơn nếu như giải quyết được những vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm như nơi nạp điện, các dịch vụ tiện ích sửa chữa, nạp điện, thay thế ắc quy phải rất là phổ biến, tiện lợi, nhanh chóng và giá cả cạnh tranh".
Nhiều quốc gia dành "biệt đãi" cho ô tô điện
Thực tế, các quốc gia lớn trên thế giới đã áp dụng hàng loạt chính sách hỗ trợ trực tiếp cho ô tô điện.
Như tại Trung Quốc, chính sách hỗ trợ chi phí cho người mua lên đến 100.000 Nhân dân tệ, tương đương 15.000 USD cho mỗi chiếc xe điện. Miễn thuế khi mua xe đối với mốt số loại xe điện đáp ứng các điều kiện chất lượng nhất định.
Ngoài ra, Trung Quốc còn đầu tư khoảng 50 tỷ USD để thúc đẩy ngành sản xuất ô tô điện và một chương trình cơ sở hạ tầng toàn quốc.
Còn tại Mỹ, một số bang cũng đã áp dụng các chính sách ưu đãi tài chính, bao gồm miễn giảm thuế, hoàn tiền, giảm phí đăng ký trong 1-2 năm. Chính sách thúc đẩy mở rộng cơ sở hạ tầng trạm sạc cũng giúp Mỹ nhanh chóng có được mạng lưới hơn 27.000 địa điểm sạc công cộng như hiện nay.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, sở dĩ nhiều quốc gia dồn lực mạnh mẽ cho ngành sản xuất ô tô điện là bởi xe điện chính là một trong những mấu chốt quan trọng để phát triển "kinh tế xanh" - một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và cải thiện đời sống con người.
Sản xuất ô tô điện tuy là lĩnh vực tương đối mới nhưng được đánh giá là mang ý nghĩa then chốt do lực đẩy lớn đến từ ngành này. Khi có một nền công nghiệp ô tô "xanh", kéo theo sẽ là rất nhiều ngành công nghiệp, công nghệ phụ trợ cũng được "xanh hóa".
Đặc biệt, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, ô tô điện còn là đại diện của một nền công nghệ cao chứ không đơn thuần là một phương tiện giao thông thông thường.
Điều này có nghĩa, phát triển xe điện đồng thời sẽ giúp nâng tầm khoa học, công nghệ - trụ cột trong phát triển của cả nền kinh tế và vị thế quốc gia. Đó là lí do lĩnh vực ô tô điện nhận được rất nhiều hỗ trợ từ Chính phủ các nước, thậm chí là biệt đãi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!