Việt Nam có nhiều lợi thế thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến

Hoàng Anh-Thứ sáu, ngày 09/06/2023 15:26 GMT+7

VTV.vn - Đại điện Amazon Global Selling cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến, như môi trường, chính sách hỗ trợ, năng lực sản xuất dồi dào...

Theo báo cáo của Amazon Global Selling, năm 2022, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng trên sàn giao dịch trực tuyến của nền tảng này đã tăng hơn 80% so với cùng kỳ. Nhằm đáp ứng nhu cầu tham gia thị trường xuất khẩu thông qua thương mại điện tử ngày một tăng, Bộ Công Thương đang cùng nhiều sàn thương mại điện tử xuyên biên giới tổ chức nhiều khóa đào tạo và hoạt động thực tế để nâng cao kỹ năng cho các doanh nghiệp, đưa sản phẩm Made in Vietnam ra thế giới.

Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Đặc biệt trong năm 2022, giá trị xuất khẩu trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế tăng mạnh.

Theo Amazon, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam đạt 80.000 tỷ đồng trong năm 2022 và dự kiến đến năm 2026 sẽ đạt 250.000 tỷ đồng.

Báo cáo của Amazon Global Selling, trong năm 2022 cho biết, số lượng sản phẩm mang thương hiệu Việt được bán trên sàn thương mại điện tử này đạt tới gần 10 triệu sản phẩm, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.

"Việt Nam có rất nhiều lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến, như môi trường, chính sách hỗ trợ, năng lực sản xuất dồi dào và cộng đồng nhà bán hàng đông đảo, năng động. Nhiều doanh nghiệp Việt hiện nay đang rất sẵn sàng để tham gia vào thị trường tiềm năng này và chúng tôi có mặt ở đây để giúp họ làm điều đó", ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho biết.

Việt Nam có nhiều lợi thế thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến - Ảnh 1.

Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nhận định, nhiều doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng xuất khẩu trực tuyến, nhưng còn gặp nhiều thách thức về quy định cũng như chi phí. Do đó, Bộ đã và đang triển khai nhiều chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao kỹ năng bán hàng xuyên biên giới.

"Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có nhiều chương trình phối hợp với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, trang bị kỹ năng bán hàng hiệu quả trên nền tảng thương mại điện tử toàn cầu và qua đó đưa được sản phẩm của mình tiếp cận với những thị trường tiềm năng. Mục tiêu là hết năm 2026 có thể đào tạo 10.000 lượt doanh nghiệp về kỹ năng, ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới cũng như khai thác tính năng sẵn có của nền tảng thương mại điện tử toàn cầu", bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, thông tin.

Nghiên cứu mới nhất của Access Partnership cho thấy, doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt đến gần 300.000 tỷ đồng vào năm 2027 nếu như các doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ đầy đủ và đẩy nhanh tốc độ áp dụng thương mại điện tử để xuất khẩu.

Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử

VTV.vn - Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 18 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước