Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng phụ trách chính sách kinh tế tài chính Nhật Bản Amari Akira, chiều 3/5. Ảnh: Cổng ĐT chính phủ
Thị sát tại công trình cầu Nhật Tân - cây cầu dài gần 9km ở cửa ngõ phía Bắc Hà Nội hiện đã hoàn thành được 66%, Bộ trưởng Amari Akira hài lòng trước tiến độ triển khai dự án. Với tổng vốn đầu tư 13,6 nghìn tỷ đồng, đây là một trong những dự án góp phần thúc đẩy tốc độ giải ngân vốn ODA của Nhật Bản tại Việt Nam gần đây tăng vọt và hiện vượt ngưỡng 200 tỷ Yen. Bộ trưởng một lần nữa khẳng định, thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục là đối tác kinh tế đặc biệt quan trọng của Nhật Bản.
Bộ trưởng Amari Akira nhấn mạnh: “Việt Nam trong tương lai sẽ là một quốc gia đứng đầu khu vực ASEAN nhờ có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế. Chuyến thăm lần này của tôi là để khẳng định lại việc hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản. Thêm nữa, đợt vừa rồi Thủ tướng Shinzo Abe có đưa ra nhiều chính sách phát triển kinh tế mới, nên thông qua chuyến đi này chúng tôi muốn giúp các bạn hiểu hơn về các chính sách mới”.
Đến thăm Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Bộ trưởng Amari khẳng định, Nhật Bản sẽ đưa khối lượng vốn ODA vào lưu thông bằng cách đầu tư cho sản xuất để tạo ra các ngành nghề, sản phẩm và dịch vụ mới. Điều quan trọng là các quốc gia khác ngoài Nhật Bản sẽ có cơ hội được sử dụng dòng tiền này. “Chúng tôi mang đồng tiền này đến Việt Nam hay là các nước khác để đầu tư cho các doanh nghiệp có khả năng tạo ra ngành nghề mới, dịch vụ mới mà lại không đủ vốn. Chúng tôi muốn đưa những đồng tiền này đi vòng quanh thế giới để thúc đẩy sản xuất. Thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, tôi nghĩ Nhật Bản có thể tìm được đúng nơi đang cần hỗ trợ vốn”.
Báo cáo mới đây của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tại Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện là đối tác quan trọng nhất của Nhật Bản về ODA. Tổng số tiền vốn vay ODA và viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong 20 năm qua là hơn 1.900 tỷ Yen.
Thời điểm này, những dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản như dự án Nhà ga số 2 Sân bay Quốc tế Nội Bài, Cầu Nhật Tân, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn - Thanh Hóa, Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, Trung tâm Truyền hình Việt Nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc và một số dự án đường vành đai, đường sắt nội đô Hà Nội và TP.HCM… đang được tích cực triển khai và đưa vào hoạt động là minh chứng cho hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản tại Việt Nam, đồng thời là bằng chứng mạnh mẽ cho mối quan hệ hợp tác kinh tế thiết thực Việt Nam - Nhật Bản trong 40 năm qua.