Nhà đầu tư FDI quyết tâm giữ vững sản xuất
Hiện nay, chiến dịch phòng chống dịch COVID-19 trong điều kiện mới của Việt Nam đã bước sang giai đoạn thích ứng linh hoạt. Điều này tạo điều kiện rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư. Thời điểm này, nhà đầu tư đang nắm cơ hội rất lớn để phục hồi, tăng tốc trở lại.
Suốt thời gian vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã cầm cự, giữ bằng được sản xuất kinh doanh, thậm chí là sẵn sàng kế hoạch đầu tư mới giữa những khó khăn của dịch bệnh.
9 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 22 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 2 chỉ số về các dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và số lượng dự án tăng vốn đều tăng trên 20%. Điều này cho thấy niềm tin nhà đầu tư vẫn đặt nhiều vào Việt Nam.
9 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 22 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Đầu tư.
3 tháng nay, các dây chuyền sản xuất linh kiện điện thoại với hơn 5.000 công nhân của doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc Elentec Việt Nam đều phải tăng thêm 60% công suất, sẵn sàng cung ứng lắp ráp cho các mẫu điện thoại mới của SamSung dịp cuối năm. Không chỉ đảm bảo đơn hàng của chính doanh nghiệp, mà còn hỗ trợ duy trì đơn hàng cho các đối tác cung ứng Việt Nam.
Ông Cho Chang Hyun - Tổng Giám đốc Elentec Việt Nam cho hay: "Dù khó khăn trong đợt dịch thứ 4 nhưng sản lượng của chúng tôi vẫn tăng trưởng 20% so với năm trước. Chúng tôi đã phải tăng công suất hỗ trợ sản xuất để bù đắp cho các nhà cung cấp 2 -3, rất nhiều trong đó là doanh nghiệp Việt Nam. Các biện pháp chống dịch liên tục phải thay đổi nhưng quan trọng là ở thời điểm nào chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ của chính quyền về y tế, phương án sản xuất an toàn để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng".
Để hoạt động sản xuất phục hồi hoàn toàn còn rất nhiều việc phải làm. Cũng không ít doanh nghiệp làm mọi cách giữ sản xuất tối thiểu. Như doanh nghiệp Kobuta Kasui Việt Nam tại Bình Dương đã gần như phải đóng cửa từ khoảng 3 tháng nay. Doanh nghiệp phải chủ động thương thảo với khách hàng, để điều chỉnh tiến độ thực hiện đơn hàng cho phù hợp với tình hình thực tế.
"Những khó khăn từ trước đến nay chúng tôi gặp phải đều có thể cố gắng tự mình giải quyết được, nhưng riêng với COVID-19 thì không thể. Rõ ràng là từ trước tới giờ chưa có khó khăn nào như thế này cả. Chúng tôi hy vọng mỗi doanh nghiệp sẽ sớm có thể chủ động các phương án chống dịch", ông Matsumoto Hiroyuki - Công ty TNHH Kobuta Kasui Việt Nam, Bình Dương cho hya nói.
Sự chờ đợi cũng đã có tín hiệu khả quan. Từ các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước như ở Bình Dương, Đồng Nai, 85% doanh nghiệp hiện đã khôi phục hoạt động, sản xuất. Còn tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, một nửa số nhà máy đang hoạt động khoảng 70% công suất, dự kiến sẽ hoạt động hết công suất vào tháng tới.
Ông Michel Bertsch - Giám đốc Công ty TNHH Geuther Việt Nam, Bình Dương cho hay: "Chúng tôi đang sản xuất ở khoảng 60 - 70% công suất bình thường. Tôi khá có niềm tin, tôi nghĩ rằng trong một vài tuần nữa tình hình sẽ được cải thiện và tất cả sẽ trở lại bình thường".
Ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nói: "Việt Nam thành công là điểm xuất khẩu trong các lĩnh vực như dệt may da giày, sản xuất công nghiệp, công nghệ cao. Do đó Việt Nam đã xây dựng được một nền tảng vững chắc trong mắt xích chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Ở thời điểm này, các nhà đầu tư nước ngoài có thể chậm lại để đầu tư vào nghiên cứu, hoặc thay đổi mô hình quản trị hiệu quả hơn. Lĩnh vực công nghệ, sản xuất công nghệ tại Việt Nam sẽ sớm trở lại ngay hậu COVID-19".
Trong trung hạn, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, khó khăn của chuỗi cung ứng sẽ sớm được giải quyết, đơn hàng lại đổ về và vốn FDI cũng phục hồi trong bối cảnh Việt Nam tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do.
Chính phủ sát cánh cùng doanh doanh nghiệp FDI vượt khó
Để vượt khó và phục hồi sản xuất thành công, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, thì sự hỗ trợ kịp thời, trên nhiều phương diện của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các địa phương đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các nhà đầu tư, chú trọng cải thiện, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, sát cánh cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn để cùng phát triển.
"Việt Nam luôn sát cánh và hỗ trợ các doanh nghiệp FDI vượt qua khó khăn..." - thông điệp này đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong các cuộc gặp liên tiếp với các đại sứ, hiệp hội doanh nghiệp và đại diện các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Các bộ, ngành và địa phương cũng tổ chức những buổi gặp gỡ với các nhà đầu tư nước ngoài để kịp thời lắng nghe ý kiến, tháo gỡ vướng mắc, để họ yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Việt Nam luôn sát cánh, hỗ trợ các doanh nghiệp FDI vượt qua khó khăn. Ảnh minh họa - Nguồn: TTXVN.
"Tôi phải nói rằng, chúng tôi rất ấn tượng với chỉ đạo của Thủ tướng. Thủ tướng lập tức ban hành Nghị quyết 105. Hầu hết các nội dung mà chúng tôi kiến nghị đều được giải quyết. Chúng tôi thực sự cảm thấy các nhà chức trách đang lắng nghe chúng tôi", ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam nói.
Tháo gỡ khó khăn được thực hiện xuyên suốt từ Trung ương tới từng địa phương, cùng với doanh nghiệp xây dựng, lựa chọn các mô hình sản xuất phù hợp để đảm bảo an toàn chống dịch.
Ông Hirai Shinji - Tưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh cho hay: "Chính phủ Việt Nam đã rất nhiệt huyết, cầu thị, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, có những điều chỉnh hợp lý về mặt chính sách. Tiếp theo đây sẽ cần chung sống với COVID-19, chứ không theo đuổi mục tiêu không COVID-19 nữa. Vì thế việc đẩy mạnh tiêm chủng là rất cần thiết, cho cả người dân Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật".
Sự đồng hành của chính phủ càng củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường Việt Nam. Chính vì vậy mà trong 9 tháng qua, đã có nhiều dự án FDI mới có vốn đầu tư hàng tỷ USD được triển khai; nhiều nhà đầu tư cũng tiếp tục tăng vốn vào các dự án đang hoạt động ở Việt Nam.
Doanh nghiệp FDI đồng hành và sẻ chia
Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong thời điểm khó khăn này, quan điểm đó càng được khẳng định mạnh mẽ hơn. Ở chiều ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp FDI luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay chia sẻ với Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch và đặc biệt là luôn vững tin vào sự phục hồi và phát triển của Việt Nam trong dài hạn.
Khoảng 2 tháng trở lại đây, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã triển khai chiến dịch gây quỹ mang tên "Breathe Again - Hồi sinh nhịp thở". Với số tiền quyên góp hơn 1 triệu Euro, Eurocham đã mua các dụng cụ, thiết bị y tế, hỗ trợ cho các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai.
Bà Delpin Rousselet - Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết: "Ngay sau khi chúng tôi nhận được những khoản quyên góp đầu tiên, chúng tôi đã bắt đầu đặt mua các thiết bị y tế và chuyển đến các bệnh viện đang cần. Chúng tôi cũng giữ liên lạc chặt chẽ với các bác sĩ để mua chính xác những gì họ cần tại thời điểm đó bởi vì nhu cầu luôn thay đổi theo diễn biến của dịch bệnh".
"Đất nước các bạn đã và đang chào đón chúng tôi đến sinh sống, làm việc và kinh doanh, nên bất cứ điều gì chúng tôi có thể làm với tư cách cá nhân, với tư cách là một công ty hoặc một nhóm công ty, tôi nghĩ đó đều là nhiệm vụ hiển nhiên khi đoàn kết cùng các bạn đẩy lùi dịch bệnh", ông Gricha Safarian - Lãnh sự danh dự Bỉ, Tổng Giám đốc Công ty Puratos Grand-Place Việt Nam cho hay.
Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa - Nguồn: Dân trí.
Chung tay đẩy lùi dịch bệnh, hợp tác lâu dài vì tương lai phát triển bền vững đó là mục tiêu chung mà Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài cùng hướng tới.
Ông Jean Michel Caldagues - Giám đốc điều hành Airbus tại Việt Nam nói: "Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng là Việt Nam sẽ vượt qua đại dịch bởi sức mạnh nội tại của Việt Nam vẫn còn đó. Dĩ nhiên là nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc khủng hoảng y tế này, tuy nhiên chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ tìm ra cách để phục hồi".
Quý IV là thời điểm rất quan trọng cho những nỗ lực dồn sức của doanh nghiệp cho cả năm nhưng cũng là quý chuẩn bị cho năm kế tiếp. Vấn đề của nhà đầu tư, doanh nghiệp lúc này là sẽ có bao nhiêu đơn hàng mới, kế hoạch sản xuất cho một quý, nửa năm thậm chí là cả năm sẽ bắt đầu từ chính thời điểm này.
Nghị quyết số 128 vừa được ban hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Việc thay đổi chiến lược thích với COVID-19 được các chuyên gia đánh giá là bước chuyển mình đúng đắn và kịp thời lúc này, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đảm bảo kết nối ngay chuỗi cung ứng toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!