Dự báo các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng hợp tác và rót vốn mở rộng tại Việt Nam
Điều này được thể hiện rõ ràng qua những con số biết nói về dòng vốn FDI cũng như chỉ số về niềm tin của doanh nghiệp khu vực này đối với triển vọng kinh tế Việt Nam.
Dòng chảy vốn FDI sẽ bứt tốc
Dự báo các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng hợp tác và rót vốn mở rộng tại Việt Nam
Bên cạnh đó, trong Báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam mới đây, Ngân hàng Standard Chatered dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt mức 6% năm 2024. Dự báo này được xem là cải thiện hơn so với mức 5% của năm ngoái. Ngân hàng này cũng đưa ra dự báo tăng trưởng quý II/2024 là 5,3% và quý III là 6,0% và tăng trưởng quý IV được kỳ vọng sẽ phục hồi lên mức 6,7%. “Việt Nam đang nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài nhờ môi trường đầu tư thuận lợi và khả năng ảnh hưởng của quan hệ thương mại từ Mỹ - Trung”, ông Tim Leelahaphan - Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên VTV Times, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định: “Từ nay đến cuối năm, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ có thêm những kết quả tích cực, tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong trung, dài hạn. Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, AMRO đều dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 tăng so với năm 2023, đạt khoảng 5,5% - 6%. Còn tôi nhận định tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 ở mức mục tiêu là 6%”, ông Việt nhấn mạnh.
Chính nhờ vào những nền tảng quan trọng đó mà trong nửa đầu năm 2024, đầu tư FDI vào nước ta có những bước tăng trưởng đáng ghi nhận. Trong tháng 5 vừa qua, lượng vốn đầu tư điều chỉnh tăng thêm đạt mức lớn nhất: gấp 2,8 lần tháng 4, tăng 72% so với tháng 3, gấp 4,1 lần tháng 3 và gấp hơn 3,6 lần tháng 1/2024. Tổng vốn đầu tư điều chỉnh trong 5 tháng đầu năm tuy vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2023, song mức giảm đã được cải thiện dần, tăng 16,9 điểm phần trăm so với 4 tháng năm 2024.
Bên cạnh đó, các con số xuất khẩu cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong 5 tháng đầu năm 2024, khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp 205,4 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng 13,7%, tương ứng tăng thêm gần 25 tỷ USD so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng thêm 12,95 tỷ USD. Ngoài ra, tại thị trường nội địa, từ đầu năm đến nay, doanh số bán lẻ cũng như dòng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực này liên tục tăng trưởng mạnh mẽ cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn gia tăng hợp tác với các đối tác Việt Nam, không ngừng rót vốn để mở rộng sản xuất tại nước ta.
Ngày càng hấp dẫn nhiều đối tác lớn
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), 54% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết có nhiều khả năng giới thiệu Việt Nam cho các các nhà đầu tư nước ngoài khác. Đánh giá về vấn đề này, Chủ tịch EuroCham Dominik Meichle nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đều cho rằng, Việt Nam là một thị trường năng động với triển vọng tăng trưởng lớn. Điều đó thể hiện rõ ở Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý I/2024 của EuroCham do Decision Lab thực hiện đạt 52,8 điểm. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2022. Còn theo Giám đốc điều hành EuroCham Decision Lab, Thue Quist Thomasen, dữ liệu cứng từ BCI vẽ nên một bức tranh rõ ràng - sự lạc quan của nhà đầu tư đang được cải thiện đều đặn. Việt Nam chắc chắn có khả năng trở thành điểm đến đầu tư ưu việt trong khu vực.
Một đối tác quan trọng nữa là Nhật Bản cũng đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Kết quả khảo sát của JETRO về môi trường kinh doanh công bố trong quý I/2024 cũng cho thấy, trong 1 - 2 năm tới, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là gần 57%. “Môi trường kinh doanh của Việt Nam có nhiều kỳ vọng hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng rất lớn và hấp dẫn đối với các công ty Nhật Bản”, đại diện JETRO đánh giá.
Còn theo ông Ted Osius - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, các chính sách của Việt Nam để chào đón nhà đầu tư nước ngoài cũng như các lĩnh vực ưu tiên như mục tiêu hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, việc xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 với mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư đến năm 2030... đều rất trúng và đúng trên tiến trình thu hút dòng vốn FDI.
Có thể khẳng định, sự đánh giá cao về sức hấp dẫn từ môi trường đầu tư, kinh doanh cho đến thị trường Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm 2024 chính là những “cửa sáng” quan trọng để thu hút dòng vốn FDI trong nửa cuối năm.
Xóa bỏ rào cản để cất cánh
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, để trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu trong khu vực, mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp, thu hút vốn quốc tế và tăng cường quan hệ đối tác kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện một số vấn đề về môi trường pháp lý, thủ tục hành chính.
Các số liệu thống kê mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến 20/5/2024,tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 11,07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tính lũy kế đến ngày 20/5/2024, cả nước có 40.285 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 481,33 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 305,43 tỷ USD, bằng gần 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Trong bối cảnh đó, để doanh nghiệp châu Âu vượt qua những rào cản này cũng như để Việt Nam thu hút thêm đầu tư nước ngoài, 37% doanh nghiệp châu Âu kêu gọi các thủ tục hợp lý để dễ dàng gia nhập thị trường và giảm bớt quan liêu; 34% nhấn mạnh luật pháp rõ ràng và nhất quán để tạo ra môi trường đầu tư có thể dự đoán được; 28% ủng hộ việc cải thiện đường sá, bến cảng và cầu để hỗ trợ thương mại và hậu cần. “Việt Nam có tiềm năng kinh tế to lớn và việc giải quyết các thách thức pháp lý là chìa khóa để hiện thực hóa tiềm năng đó một cách trọn vẹn. Việc đơn giản hóa thủ tục và thiết lập các quy định minh bạch hơn sẽ giúp cả doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài thành công”, ông Dominik Meichle nhấn mạnh.
Trong Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2024, TS Nguyễn Thị Vũ Hà - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chia sẻ, cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, nhất là khi thị trường Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Sự thiếu hụt lao động có kỹ năng, đặc biệt trong các lĩnh vực thiết yếu và công nghệ khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong thu hút nhà đầu tư FDI khổng lồ về công nghệ. Cho nên chúng ta cần nhanh chóng khắc phục tình trạng này, xây dựng đầy đủ nền tảng để đón làn sóng chuyển dịch của các tập đoàn công nghệ cao trong thời gian tới./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!