Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một nhân tố then chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, phản ánh những thay đổi lớn về công nghệ và động lực quốc tế. Đây là nhận định của báo chí quốc tế trong tuần qua.
Trang Opengovasia khẳng định Tầm nhìn của Việt Nam đối với ngành công nghiệp bán dẫn là đầy tham vọng. Đến năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu. Tầm nhìn này bao gồm phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao đáp ứng cả nhu cầu về chất lượng và số lượng của ngành bán dẫn.
Còn theo trang Vietnam briefing, Việt Nam đang từng bước điều chỉnh chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp khác nhau để khuyến khích sự hội nhập sâu hơn của các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Ông Rizwan Khan - Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Acclime Việt Nam cho biết: "Nếu nhìn lại 10 năm qua, các quy định đã định hình, thực sự có lợi cho doanh nghiệp. Đã có những thay đổi đáng kể cho phép các doanh nghiệp chuyển sang một hướng rất tốt, cũng như chúng đang ưu ái các doanh nghiệp vào một số ngành công nghiệp nhất định, chẳng hạn như lĩnh vực bán dẫn và kỹ thuật số - nơi các công ty khởi nghiệp và công ty công nghệ đang đến Việt Nam và họ đang nhận được lợi ích từ các chính sách đó".
Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một nhân tố then chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Ảnh minh họa.
Bài viết trên trang riotimesonline.com nêu ra một số thách thức mà ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang gặp phải đó là vấn đề về cơ sở hạ tầng và logistics. Hơn nữa, nhu cầu về các chuyên gia ngành bán dẫn tăng đột biến và đang gây áp lực với thị trường lao động tại Việt Nam.
Giải thích lý do tại sao Việt Nam hấp dẫn trong ngành bán dẫn, trang Nikkei asia dẫn lời Tổng giám đốc điều hành của tập đoàn Alchip Technologies Johnny Shen khẳng định: Nguồn kỹ sư đầy triển vọng và có đạo đức nghề nghiệp đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến vô cùng hấp dẫn. Trong khi các tập đoàn Hàn Quốc đang chuyển hướng sang Việt Nam để bù đắp một phần cho tình trạng chảy máu chất xám tại thị trường trong nước.
Ông Junya Kawamoto - Tập đoàn NTT DATA, Nhật Bản đánh giá: "Đối với Việt Nam, ngành công nghệ thông tin là một trong những ngành có triển vọng nhất. Tôi nghĩ rằng, đầu tư vào đây là một lợi thế lớn. Thứ hai, có nguồn nhân lực. Việt Nam có nhiều kỹ sư công nghệ thông tin, có trình độ học vấn. Tôi tin rằng có một lợi thế lớn trong việc có thể phát triển và phổ biến các dịch vụ mới cùng một lúc tại Việt Nam".
Các chuyên gia nhấn mạnh, Việt Nam có tối đa 3 - 5 năm để giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động để đạt được mục tiêu của mình, trong bối cảnh các quốc gia khác cũng đang trong cuộc đua trở thành một phần của chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!