Việt Nam đã thành công trong việc hạn chế tác động kinh tế và sức khỏe của COVID-19. (Ảnh: Nikkei)
Báo cáo triển vọng kinh tế của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales đã đưa ra đánh giá trên. Trong Báo cáo triển vọng kinh tế mới công bố, Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) cũng chỉ ra rằng: "Việt Nam là nền kinh tế duy nhất khu vực Đông Nam Á có mức tăng trưởng dương trong năm 2020, dự báo GDP tăng 8% vào năm 2021".
Theo ICAEW, GDP của Đông Nam Á dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ lên mức 6,2% vào năm 2021. Sự phục hồi kinh tế của khu vực Đông Nam Á vào năm 2021 vẫn phụ thuộc vào việc nới lỏng các hạn chế phong tỏa, đà phục hồi toàn cầu và việc triển khai thành công vắc xin COVID-19. Vì vậy, tiến độ về tiêm chủng sẽ là một yếu tố quan trọng quyết định tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực.
Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) đăng trên tờ Nikkei cho rằng, nền kinh tế khu vực Đông Nam Á khó phục hồi về mức trước đại dịch cho đến năm 2022.
Trong khi các nền kinh tế khu vực được có mức tăng trưởng GDP thấp kỷ lục thì kinh tế Việt Nam năm 2020 được đánh giá là điểm sáng nổi bật khi vẫn duy trì được tăng trưởng dương.
Tờ Nikkei từng đưa ra nhận định rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới ghi nhận tăng trưởng GDP thực trong bối cảnh đại dịch.
Hoạt động của một công xưởng tại Việt Nam. (Ảnh: Bloomberg)
Mới đây, tờ Le Figaro (Pháp) đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới trong năm 2020. Việt Nam duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,9% trong bối cảnh COVID-19 tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu.
Trên thực tế, trong năm 2020, chính sách điều hành xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam là thực hiện "mục tiêu kép" - vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Việt Nam đặt mục tiêu ngăn chặn dịch bệnh không để lây lan ra cộng đồng và để giữ được đất nước không bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, giữ ổn định xã hội, giải quyết việc làm, có sự tăng trưởng cần thiết.
Trong kịch bản phát triển kinh tế năm 2021, Chính phủ Việt Nam dự kiến tăng trưởng GDP đạt 6%.
Đối với Singapore, cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 nhanh chóng mang tới những hệ lụy cho Singapore và rơi vào suy thoái sâu. Chính phủ Singapore công bố, nền kinh tế nước này có thể giảm tốc 6 - 6,5% trong năm 2020 - cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Ước tính trong năm 2020, chính phủ Singapore đã chi khoảng 100 tỷ SGD (75,64 tỷ USD), tương đương 20% GDP quốc gia cho các gói cứu trợ COVID-19, bao gồm cả hỗ trợ hộ gia đình và doanh nghiệp. Các biện pháp kiểm soát đại dịch và kích thích kinh tế có vẻ đang phát huy hiệu quả khi nền kinh tế Singapore bắt đầu cho thấy những dấu hiệu phục hồi.
Theo dự báo chính thức từ chính phủ, kinh tế Singapore có triển vọng tăng trưởng 4 - 6% trong năm 2021.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!