Theo số liệu của Hiệp hội mỳ ăn liền Thế giới (WINA), trong năm 2022, sức tiêu thụ mỳ gói tại Thị trường Việt Nam đã giảm nhẹ 1% so với thời điểm năm trước còn dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, người Việt vẫn tiêu thụ hơn 8,48 tỷ gói mỳ, xếp trong top 3 nước tiêu thụ mỳ gói nhiều nhất thế giới.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mỳ ăn liền, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, đa số thị phần lại nằm trong tay số ít doanh nghiệp. Theo báo cáo của Euromonitor vào cuối năm 2022, Acecook và Masan là hai doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường mỳ gói, chiếm tổng cộng 33% thị phần.
Các sản phẩm mỳ ăn liền cũng được phân loại rõ rệt với các phân khúc bình dân có giá dao động khoảng 1.500 - 3.000 đồng/gói; phân khúc trung cấp với giá 3.500 - 5.000 đồng/gói và phân khúc cao cấp với giá từ 7.000 đồng/gói trở lên. Tuy vậy, phần lớn thị phần vẫn tập trung ở phân khúc bình dân. Như vậy, nếu chia trung bình thì một người Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng trên 80 gói mỳ/năm, khoảng 7 gói mỳ mỗi tháng.
Nhu cầu về mỳ ăn liền đã đạt mức cao nhất mọi thời đại với 121,2 tỷ gói mỳ được tiêu thụ trong năm 2022. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp số lượng mỳ gói tiêu thụ tăng vọt. Doanh thu của mỳ ăn liền dự kiến sẽ tăng từ 45,67 tỷ USD trong năm 2020 lên 73,55 tỷ USD vào năm 2026.
Theo nhận định của một số hãng mỳ, năm 2023 sau tác động của đại dịch và những thách thức của nền kinh tế, người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu và thận trọng hơn với các thói quen chi tiêu thường nhật, bao gồm cả các chi tiêu thiết yếu và thực phẩm, vì thế giảm giá thành là cách để họ tiếp tục cạnh tranh với các loại mỳ nhập khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!