Đây là dấu mốc quan trọng, không chỉ mở ra giai đoạn hợp tác cao hơn trong lĩnh vực năng lượng mà còn là điểm nhấn trong quan hệ hợp tác ngày càng thực chất, sâu sắc và toàn diện hơn giữa hai nước. Biên bản ghi nhớ trên là khuôn khổ mới trong hợp tác về lĩnh vực năng lượng, giúp hai nước làm sâu sắc hơn và mở rộng thêm các nội dung hợp tác, từ chuyển đổi thị trường, mở rộng nguồn cung, phát triển hạ tầng cho đến nâng cấp tiêu chuẩn hiện hành.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, phát biểu: "Bằng việc ký kết văn kiện này, hai bên đã định hướng những mục tiêu chung, các giải pháp cơ bản, tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp và đối tác của hai bên để khai thác cơ hội tiếp cận thị trường".
Doanh nghiệp hai nước chính là chủ thể thực hiện, đồng thời là đối tượng thụ hưởng từ bản ghi nhớ này. Ngay sau lễ ký bản ghi nhớ, tập đoàn AES của Mỹ đã được cấp phép làm chủ đầu tư dự án nhà máy điện Sơn Mỹ 2. Dự án này khi đi vào vận hành sẽ tạo ra nhu cầu nhập khẩu khí hóa lỏng LNG từ Mỹ lên tới gần 2 tỷ USD/năm. Chấp thuận để AES thực hiện dự án này, Việt Nam khẳng định chủ trương hợp tác dài hạn theo chiều sâu về năng lượng, đồng thời hướng tới một cán cân thương mại hài hòa với Mỹ.
Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí đến 2035, Việt Nam sẽ cần nhập 1 - 4 tỷ m3 khí LNG mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2025 và sẽ tăng lên 6 - 10 tỷ m3 mỗi năm từ sau năm 2026. Do đó, việc hợp tác năng lượng với Mỹ, trong đó có lĩnh vực khí thiên nhiên hóa lỏng, là một trong những kênh quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!