VN-Index giảm sâu

PV-Thứ sáu, ngày 15/11/2024 16:42 GMT+7

VN-Index giảm 13,32 điểm xuống 1.218,57 điểm

VTV.vn - Nhà đầu tư trong nước bán mạnh cổ phiếu, cùng với khối ngoại bán ròng hàng nghìn tỷ đồng tạo áp lực lớn khiến VN-Index giảm sâu.

Áp lực từ rổ VN30 lên thị trường chứng khoán sáng nay là khá lớn. Các cổ phiếu như FPT, CTG, BID, MWG là các cái tên có tác động nhiều nhất trong nhóm Bluechips sáng nay. Mỗi một cổ phiếu đầu ngành mất 1-2% thị giá là đủ đẩy thị trường sâu trong sắc đỏ.

Các cổ phiếu nhóm ngân hàng vẫn chưa có tín hiệu cân bằng lại sau chuỗi ngày giảm giá. Ngoài các cổ phiếu của ba ông lớn ngân hàng giảm điểm, một số mã nhà băng tư nhân khác cũng rơi khá mạnh.

Hôm nay, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết qua tổng hợp các kết luận thanh tra tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho thấy, ngân hàng này còn tồn tại, vi phạm, đặc biệt là hoạt động cấp tín dụng, liên quan đến những lỗi chủ quan dẫn đến nợ xấu, tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động của ngân hàng. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, Thành phố thanh tra, giám sát chặt chẽ các chi nhánh của Eximbank.

Ngoài ra, sáng nay, các nhóm công nghệ, vận tải cũng đồng loạt quay đầu khi chịu áp lực bán chốt lời sau những phiên ngược dòng trước đó. Thị trường vừa qua khá khó lường, nhiều cổ phiếu tăng rất ấn tượng trong một vài phiên thì hai phiên nay quay đầu giảm mất hết đà tăng, ví dụ như CTR, MFS, HAH giảm vài phần trăm mỗi mã.

Nhóm cổ phiếu bất động sản bớt tiêu cực hơn thị trường chung nhờ bộ ba cổ phiếu nhà Vingroup gồm VHM, VIC, VRE đều tăng nhẹ sáng nay, cùng với đó là một số mã cũng đảo chiều thành công như KBC.

Nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp đang nhận được sự quan tâm của thị trường thời gian gần đây với các kỳ vọng mới về xoay trục sản xuất trên thế giới.

Kết thúc phiên giao dịch sáng, chỉ số VN-Index giảm 11,47 điểm về vùng 1.220,42 điểm. Giao dịch khoảng 8.800 tỷ đồng. Thực tế, vấn đề thanh khoản ảm đạm đã kéo dài suốt trong thời gian gần đây. Từ mức bình quân trên 20.000 tỷ đồng vào giữa tháng 4/2024, giá trị khớp lệnh trên HOSE đã liên tục tụt dốc xuống quanh mức 13.000 tỷ đồng/phiên trong suốt một tháng trở lại đây, thậm chí nhiều phiên thanh khoản "nhúng" xuống dưới vùng 10.000 tỷ đồng. HNX-Index giảm 2,21 điểm về 221,61 điểm. Giao dịch 607 tỷ đồng.

VN-Index giảm sâu - Ảnh 1.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh, với hơn 1.316 tỷ đồng trên toàn thị trường

Chốt phiên giao dịch ngày 15/11, VN-Index giảm 13,32 điểm xuống 1.218,57 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 750,5 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 18.649 tỷ đồng. Toàn sàn có 75 mã tăng giá, 305 mã giảm giá và 49 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 2,29 điểm xuống 221,53 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 66 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.213,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 47 mã tăng giá, 107 mã giảm giá và 72 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 0,54 điểm xuống 91,33 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 45,1 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 492,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 130 mã tăng giá, 205 mã giảm giá và 101 mã đứng giá.

Cổ phiếu ngân hàng chìm sâu trong sắc đỏ. Chỉ có 3 mã ngân hàng tăng nhẹ (dưới 1%) là LPB, SSB và PGB. Trong khi đó có tới 21 mã giảm giá. Cổ phiếu chứng khoán cũng ngập sắc đỏ, mức giảm khá mạnh như HBS giảm 8,22%; ABW giảm 5,88%; VIG giảm 5,08%. Các mã AGR, CTS, CSI, VDS đều giảm hơn 4%. Các mã trụ cột như SSI giảm 3,04%, SHS giảm 2,94%, HCM giảm 2,58%; VND giảm 2,14%.

Cổ phiếu dầu khí cũng giảm rất mạnh, có thể kể đến như BSR, PVC đều giảm hơn 4%; PVS, PVB, PVT giảm hơn 2%; PLX giảm 1,41%, PEQ giảm 1%.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, nhiều mã cổ phiếu giảm sàn như EFI, LMH, MGR, PXA, VHA. Những mã vốn hóa lớn như NVL giảm 3,7%, KDH giảm 2,1%, VIC giảm 0,37%, VHM giảm 0,25%. Rổ cổ phiếu VN30 có tới 26 mã giảm giá và chỉ có 3 mã tăng giá. Các mã giảm mạnh như VNM giảm 2%, MWG giảm 2,28%, POW giảm 2,17%, SAB giảm 1,07%...

Nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng mạnh, với hơn 1.316 tỷ đồng trên toàn thị trường. Cụ thể, trên HOSE, khối ngoại bán ròng 1.316 tỷ đồng. VHM bị bán ròng mạnh nhất, lên tới 701 tỷ đồng, chủ yếu thông qua thỏa thuận.

Theo sau là FPT và SSI bị bán ròng lần lượt là 338 tỷ đồng và 209 tỷ đồng. Tiếp đến, VNM và VPB cũng bị khối ngoại bán ròng lần lượt là 112 tỷ đồng và 77 tỷ đồng.

Khối ngoại cũng bán ròng gần 19 tỷ đồng trên HNX và 19 tỷ đồng trên UPCOM.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước