Vốn hóa thị trường tiền số tiệm cận mốc quan trọng. (Ảnh: The SouthAfrican)
Tiệm cận cột mốc quan trọng so với vàng
Theo nhận định mới nhất của công ty tài chính Bernstein tại phố Wall, tổng vốn hóa thị trường tiền số hiện đang tiệm cận một cột mốc quan trọng, chuẩn bị trở thành một tài sản hiện đại thay thế cho vàng.
Cụ thể, tổng giá trị thị trường của tiền số hiện ở mức trên 2.000 tỷ USD, gần ngang bằng với lượng vàng mà các nhà đầu tư tổ chức và nhỏ lẻ đang nắm giữ. Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp và tổ chức tài chính đón nhận, tiền số đang có cơ hội trở thành một loại tài sản thực thụ.
Hơn nữa, nhà đầu tư cũng dần coi loại tiền này như một công cụ lưu trữ giá trị đáng tin cậy hoặc như một cách để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Tuy nhiên, Bernstein cũng nhanh chóng lưu ý rằng nếu tính chung lượng trang sức bằng vàng trên thế giới, giá trị thị trường của kim loại quý này đạt gần 8.000 tỷ USD, tức là gấp gần 4 lần so với thị trương tiền số.
Tiềm năng là vậy tuy nhiên không phải ai cũng hoàn toàn tin tưởng vào độ an toàn và khả năng tồn tài lâu dài của tiền số, đặc biệt là xét từ quan điểm pháp lý và môi trường.
Mới đây, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) có tuyên bố mới nhằm vào thị trường tiền số nói chung. Ngay lâp tức sau thông tin này, giá Bitcoin hôm nay (19/5) đã lao dốc tới 10%, xuống dưới 40.000 USD và là mức thấp nhất trong hơn 3 tháng.
Quan ngại về những biến động thất thường của tiền số
Trong thông cáo chung vừa đưa ra, 3 hiệp hội thuộc các ngành tài chính và thanh toán Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về những biến động thất thường gần đây của thị trường tiền kỹ thuật số.
"Giá các đồng tiền kỹ thuật số đã liên tục tăng vọt và lao dốc thời gian gần đây. Các giao dịch đầu cơ tiền số gia tăng trở lại, đe đọa nghiêm trọng đến an toàn tài chính của người dân, cũng như gây ảnh hưởng đến sinh hoạt kinh tế và tài chính bình thường", thông cáo chung của Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc, Hiệp hội Tài chính quốc tế Trung Quốc và Hiệp hội Thanh toán Trung Quốc cho hay.
Trung Quốc thắt chặt các động thái hạn chế tiền số. Ảnh: CoinDesk.
Thông cáo cũng nhắc lại việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cấm các tổ chức tài chính của nước này, gồm cả ngân hàng và nền tảng thanh toán, được cung cấp dịch vụ về tiền số như mua bán, mở quỹ đầu tư hay giao dịch trên sàn.
Theo các chuyên gia, trong khi các mối lo ngại được hâm nóng trở lại, nhìn chung đây vẫn là quan điểm nhất quán của giới chức Trung Quốc đó là nước này không chấp nhận việc coi tiền số là tiền tệ thực.
Ông Vincent Chok - Giám đốc điều hành Quỹ tiền số First Digital cho biết: "Các loại tiền số tư nhân trên thị trường nằm ngoài tầm quản lý của giới chức Trung Quốc và do đó sẽ không được xem là những công cụ thanh toán hợp pháp. Thay vào đó nước này sẽ khuyến khích người dân tìm đến lựa chọn thay thế đó là đồng Nhân dân tệ số cũng dựa trên nền tảng blockchain nhưng có độ an toàn cao và được quản lý chặt chẽ".
Các động thái siết chặt thị trường tiền số của Trung Quốc đã bắt đầu từ năm 2017 khi PBOC cấm các sàn tiền số và hoạt động phát hành ICO. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn để ngỏ cho các cá nhân được sở hữu tiền số như một "phương tiện đầu tư thay thế" ngoài các công cụ vốn truyền thống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!