Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến 20/6 đạt 8,51%, cao gấp rưỡi cùng kỳ năm 2021. Đáng nói, mức tăng ấn tượng của tín dụng song hành với đà tăng của hàng loạt chỉ số về xuất khẩu, sản xuất công nghiệp và doanh thu bán lẻ, dịch vụ... là những chỉ báo cho thấy dòng vốn tín dụng đang hướng mạnh vào những lĩnh vực này và đáp ứng kịp thời nhu cầu phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh.
27 năm làm may mặc, chưa khi nào chị Hương (Hàng Buồm, Hà Nội) cảm nhận rõ những thăng trầm trong kinh doanh như hơn 2 năm dịch bệnh vừa qua.
Có nhiều thứ lần đầu tiên chị làm quen, từ bán hàng qua livestream, chắt chiu từng đơn hàng lẻ thay vì đổ buôn như trước và cũng hiểu rõ giá trị của từng đồng vốn để trụ lại trên thương trường.
"Lãi suất các ngân hàng đang dao động từ 8,5 - 8,9%/năm. Tôi nghĩ với mức lãi suất đó, người kinh doanh có tiềm năng và thực lực thì người ta vẫn chấp nhận", chị Đỗ Thanh Hương chia sẻ.
Còn với những doanh nghiệp lớn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất..., nhu cầu vay vốn mỗi năm lên tới cả trăm tỷ đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, tín dụng từ đầu năm nay của nhóm khách hàng này có thời điểm đã tăng tới hơn 3 lần so với tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân trên địa bàn.
Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến 20/6 đạt 8,51%, cao gấp rưỡi cùng kỳ năm 2021. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Tham gia gói kích cầu đầu tư để hỗ trợ lãi suất của TP Hồ Chí Minh. Gói vay của công ty chúng tôi tương đối ổn định, không tạo ra khó khăn về biến động lãi suất với công ty", ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV, Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, cho biết.
Tín dụng tăng trưởng nhanh trong khi thanh khoản trên thị trường bất động sản và chứng khoán cho thấy dòng vốn vào những lĩnh vực rủi ro đã thắt lại. Thanh khoản chứng khoán bình quân trên mỗi phiên hiện dao động khoảng 13.000 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2021.
"Khi dịch bệnh, nhiều ngành nghề không thể hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Dòng tiền đó đổ vào chứng khoán làm thanh khoản bình quân năm 2021 tăng lên khoảng 4 lần so với mức bình quân năm 2020. Tuy nhiên khi các hoạt động kinh doanh khôi phục trở lại, các ngành nghề sản xuất kinh doanh bình thường và tăng trưởng cao thì dòng tiền rút ra và làm thanh khoản giảm 50% so với cùng kỳ năm 2021", ông Đỗ Bảo Ngọc, Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, cho hay.
Hiện nhiều ngân hàng đã được giao kế hoạch vốn và bắt đầu triển khai gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2% cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31 của Chính phủ.
Tuy nhiên, một vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm là tiến độ cần phải đẩy nhanh hơn, trong bối cảnh doanh nghiệp đang chịu rất nhiều sức ép giá cả cần được chia sẻ kịp thời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!