“Vươn ra biển” phát triển kinh tế và bảo vệ lợi ích quốc gia

Trần Hùng-Thứ tư, ngày 30/03/2022 15:53 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam có nhiều lợi thế về địa hình, khí hậu và tài nguyên thiên nhiên trong việc phát triển kinh tế biển và bảo vệ lợi ích, chủ quyền.

Phát triển kinh tế biển là biện pháp bảo vệ chủ quyền

Việt Nam, có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế biển gấp khoảng ba lần diện tích đất liền. Vùng biển và ven biển nước ta là địa bàn chiến lược về kinh tế và an ninh quốc phòng, có nhiều lợi thế phát triển và là "cửa ngõ" cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Vùng biển Việt Nam là con đường biển ngắn nhất nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và hiện nay là tuyến hàng hải nhộn nhịp thứ hai trên thế giới.

Ngoài ra, vùng biển Việt Nam lại nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều khu vực ấm quanh năm, rất thuận lợi cho du khách từ nhiều quốc gia, đặc biệt từ các quốc gia có mùa đông lạnh tới nghỉ dưỡng, tắm biển... Bờ biển Việt Nam cũng có nhiều vũng, vịnh sâu kín gió, rất thuận lợi để làm cảng biển.

“Vươn ra biển” phát triển kinh tế và bảo vệ lợi ích quốc gia - Ảnh 1.

Việt Nam có nhiều lợi thế về biển đảo

Thực tế, trong quá trình thực hiện mục tiêu chiến lược biển theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức gay go về phát triển kinh tế biển như sự suy giảm các nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển; khai thác tài nguyên và môi trường biển; về ô nhiễm môi trường… và một số thách thức về quốc phòng – an ninh.

Giá trị thu được từ hoạt động kinh tế biển so với một số nước đều ở mức thấp hoặc rất thấp. Mặc dù có rất nhiều nỗ lực trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhưng nghề biển nước ta vẫn chủ yếu là nghề truyền thống, chiếm trên 60% GDP do kinh tế biển tạo ra. Các nghề mới như khai thác dầu khí, công nghiệp đóng tàu, nuôi trồng hải sản đặc sản, du lịch biển chỉ mới được phát triển bước đầu. Đồng thời, sự phát triển kinh tế biển ở nhiều địa phương và một số ngành chủ yếu chạy theo nhu cầu thị trường, chưa thực sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển.

Mặt khác, một số địa phương xây dựng quy hoạch các khu công nghiệp, kinh tế tập trung, các dự án ven biển, trên đảo, chưa chú trọng các phương án xây dựng thế trận quốc phòng – an ninh, thế trận lòng dân, chủ yếu chạy theo lợi ích kinh tế là chính.

Có thể thấy, việc phát triển kinh tế biển ở một số lĩnh vực chưa thực sự được gắn kết chặt chẽ với quốc phòng – an ninh, hoặc ngược lại, có một số lĩnh vực của quốc phòng – an ninh chưa được gắn kết với phát triển kinh tế, làm cho kinh tế biển vốn còn nhiều hạn chế về khoa học – công nghệ, kỹ thuật và năng lực lại bất cập trong công tác bảo vệ, làm hạn chế quá trình phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng – an ninh.

“Vươn ra biển” phát triển kinh tế và bảo vệ lợi ích quốc gia - Ảnh 2.

Một số lĩnh vực kinh tế biển và quốc phòng - an ninh chưa được gắn kết chặt chẽ

"Nhìn chung, phát triển kinh tế biển của nước ta còn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế vốn có, chưa thực sự trở thành quốc gia mạnh về biển. Trước hết, trong quy hoạch phát triển chưa tích hợp được các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh, sức mạnh và sự bổ trợ các ngành, vùng, khu vực trên biển, ven biển và nội địa. Việc đầu tư còn dàn trải.

Một số quy hoạch, kế hoạch, nhất là việc xây dựng bến cảng, cơ sở công nghiệp biển, các khu dịch vụ trên đảo còn tràn lan, làm ảnh hưởng đến hiệu quả và khả năng bảo vệ quốc phòng, an ninh trên biển, đảo. Sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh ở một số nơi, một số khâu còn chưa chặt chẽ, hiệu quả" – GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương đánh giá.

Trong bối cảnh mới, trước xu thế toàn cầu hóa và khu vực hóa phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực phát triển năng động của thế giới, thu hút sự quan tâm của nhiều nước lớn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ mới tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của các nước và các vấn đề toàn cầu. Vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ngày càng phức tạp. Các nước ngày càng quan tâm đến chiến lược phát triển nói chung, chiến lược biển nói riêng. Do vậy, việc phát triển kinh tế biển đảo chính là biện pháp bảo vệ chủ quyền của chúng ta chứ không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế.

Hiện thực hóa mục tiêu "vươn ra biển" bảo vệ lợi ích quốc gia

Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp tục khẳng định: "Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".

Tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển như là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Quan điểm xuyên suốt của Đảng ta là phát triển kinh tế biển phải bảo đảm tính bền vững, đồng thời gắn liền với giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mà trước hết là chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cho đến nay, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tiếp tục được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế tôn trọng và ủng hộ. Các vùng biển của Việt Nam về cơ bản được bảo vệ theo đúng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác, giữ vững quan hệ với các nước láng giềng, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

“Vươn ra biển” phát triển kinh tế và bảo vệ lợi ích quốc gia - Ảnh 3.

Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam

"Một mặt chúng ta đã tăng cường và mở rộng các hình thức hợp tác với các đối tác ở Biển Đông và ở quốc tế, cùng với đó đã mở được các đàm phán về phân định biển với hầu hết các nước ở Biển Đông. Chúng ta đã kịp thời lên tiếng và có các biện pháp cụ thể trên thực địa, có biện pháp về thông tin và truyền thông, vận động được sự ủng hộ ngày càng lớn, ngày càng thiết thực của quốc tế đối với vấn đề bảo vệ hòa bình, ổn định, hợp tác trên Biển Đông và bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của ta trên biển" - ông Lê Hoài Trung, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhấn mạnh.

Chúng ta đã và đang khai thác tiềm năng lợi thế của biển đảo, từ không gian địa lý, văn hóa lịch sử đến các cơ sở vật chất hiện có và từ các quan hệ quốc tế và khu vực. Nhờ đó đã tạo nền móng vững chắc để Việt Nam xây dựng kinh tế biển trở thành một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế đất nước. Chính điều đó sẽ tạo nên thế và lực cho Việt Nam trong hội nhập sâu rộng với ASEAN, với thế giới, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Hiện tại các cơ quan chức năng cũng đã và đang tiến hành phân vùng biển dựa trên hệ sinh thái, quy hoạch sử dụng biển và hải đảo, nhằm xác định rõ những khu vực dành riêng cho nhiệm vụ quốc phòng. Những khu vực cho phép và khuyến khích phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như những khu vực phát triển đa mục đích. Nâng cao năng lực quản lý về biển, đảo của chính quyền các huyện đảo, xã đảo để phát triển mạnh kinh tế - xã hội kết hợp với bố trí dân cư, tổ chức lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo.

Tăng cường sự gắn bó giữa ngư dân, các tầng lớp dân cư vùng biển với các lực lượng vũ trang, trực tiếp là Bộ đội Biên phòng, để giúp nhau sản xuất, nâng cao đời sống văn hóa, tạo dựng thế trận lòng dân. Từng bước dân sự hóa các vùng biển, đảo vừa là cơ sở khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên biển, vừa là tiền đề để xây dựng, củng cố và phát huy lực lượng tại chỗ phục vụ chiến lược quốc phòng - an ninh trên biển và hải đảo.

Theo các chuyên gia nhận định, thế kỷ XXI được coi là kỷ nguyên của đại dương, việc "vươn ra biển" đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng của các quốc gia có biển và cả quốc gia không có biển. Với những lợi thế về địa hình, khí hậu tài nguyên thiên được khai thác sẽ tạo ra những lợi thế cho Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền và lợi ích biển đảo nói chung, ở Biển Đông nói riêng.

Mặt khác, việc xác lập chủ quyền biển của Việt Nam theo thông lệ quốc tế sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta khai thác được lợi thế địa chính trị của đất nước nói chung, biển đảo nói riêng. Chính vì vậy, việc phát triển kinh tế biển còn có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta, đó chính là đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước