Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua. World Bank cũng dành một phần lớn bản báo cáo tình hình phát triển kinh tế Việt Nam để mô tả chi tiết sự dịch chuyển trong bức tranh việc làm tại Việt Nam thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập.
World Bank nhận định, trong 25 năm qua, bức tranh việc làm tại Việt Nam đã có sự thay đổi tích cực. Năm 1989, cơ cấu việc làm tại Việt Nam chủ yếu là nông nghiệp quy mô gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp Nhà nước, gần như không có lao động trong khu vực tư nhân. Còn hiện nay, đã có 11% lực lượng lao động Việt Nam có hợp đồng được hưởng lương trong khu vực tư nhân.
Ông Gabriel Demombynes - Chuyên gia kinh tế cao cấp, World Bank Việt Nam - nhấn mạnh: “Tuy nhiên, con số này vẫn thấp, nhất là khi Việt Nam đang đẩy mạnh việc hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì khu vực tư nhân phải là động lực chính của tăng trưởng kinh tế”.
Năm 2015 là một năm then chốt trong quá trình hội nhập của Việt Nam, với một loạt các hiệp định thương mại được ký kết và đang trong quá trình đàm phán. Vì vậy, để Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ thị trường toàn cầu, World Bank nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách thị trường lao động.
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia của World Bank Việt Nam - nói: “Việc tăng số việc làm trong khu vực tư nhân sẽ là nhân tố quan trọng để nâng cao tiềm năng lao động, để có thể đưa nhiều hơn lao động Việt Nam vào nhóm trung lưu trên thế giới”.
World Bank cũng cho rằng, Việt Nam hiện vẫn thiếu một số thể chế để giải quyết tranh chấp và đại diện cho lợi ích người lao động. Bản báo cáo điểm lại cũng đưa ra một số gợi ý để Việt Nam khuyến khích sự tăng trưởng lâu dài của các công việc hưởng lương trong khối tư nhân, như chú trọng việc bảo vệ người lao động, xem xét việc tăng lương tối thiểu và gia tăng tính linh hoạt trên thị trường lao động.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.