World Bank: Lạm phát tại Mỹ không quá ảnh hưởng đến Việt Nam

VTV Digital-Thứ tư, ngày 15/06/2022 20:28 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Giải thích cho điều này, đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng Việt Nam xuất khẩu nhiều sang Mỹ nhưng lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ không nhiều.

Trả lời VTV về những áp lực lạm phát, trong đó là nguy cơ nhập khẩu lạm phát, đại diện World Bank đánh giá Mỹ đang trải qua một thời kỳ lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm qua, song điều này không không quá ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Theo đại diện ngân hàng này, chúng ta thấy rõ nhất là những ảnh hưởng từ xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine, khiến giá cả tăng vọt, giá xăng dầu tăng đã tác động đến chi phí vận chuyển, tăng 15% so với thời điểm này năm ngoái và nó sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng. 

Hầu hết sự tăng của chỉ số CPI là do sự tăng của chi phí vận chuyển, tuy nhiên hiện nay chúng ta chưa thấy những ảnh hưởng rộng rãi lên giá thực phẩm hay lạm phát lõi.

"Việt Nam xuất khẩu nhiều sang Mỹ nhưng lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ không nhiều. Lạm phát nhập khẩu hầu hết sẽ đến từ nơi mà Việt Nam chủ yếu nhập khẩu hàng đó là Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc lại chưa chứng kiến lạm phát quá lớn ở thời điểm này", World Bank đánh giá.

World Bank: Lạm phát tại Mỹ không quá ảnh hưởng đến Việt Nam - Ảnh 1.

World Bank cho rằng lạm phát tại Mỹ không quá ảnh hưởng đến Việt Nam

Cách đây ít ngày, trong Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6, World Bank đánh giá, lạm phát của Việt Nam đã nhích lên nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mục tiêu kiểm soát dưới 4% của Chính phủ. Trong đó, giá xăng và dầu diesel tăng vọt là yếu tố chính thúc đẩy lạm phát. Giá lương thực, thực phẩm cũng có chiều hướng tăng nhẹ.

World Bank khuyến nghị Việt Nam cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng lên, có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra. 

"Các biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó có hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu nên được cân nhắc để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng", World Bank khuyến nghị. 

Ngoài ra, chính sách trợ giá tạm thời, có mục tiêu cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính (như lái xe tải) cũng là biện pháp nên được cân nhắc.

Ngành sản xuất trên đà phục hồi

Đánh giá thêm về tình hình kinh tế Việt Nam, đại diện World Bank cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp chứng kiến sự tăng trưởng ổn định tháng này và cả tháng trước, hiện tăng 10% so với năm ngoái - mức tương đương trước khi đại dịch xảy ra. 

"Đây là dấu hiệu tốt cho sự phục hồi của ngành này. Chỉ số sản xuất PMI cũng có sự tăng trưởng khá mạnh ở mức khoảng 54%. Điều này cho thấy ngành sản xuất đang trên đà mở rộng, là sự tiến triển tốt của nền kinh tế", đại diện World Bank nhấn mạnh.

World Bank: Lạm phát tại Mỹ không quá ảnh hưởng đến Việt Nam - Ảnh 2.

World Bank đánh giá ngành sản xuất đang trên đà mở rộng, là sự tiến triển tốt của nền kinh tế

Ở lĩnh vực dịch vụ, Việt Nam cũng thấy có nhiều sự hồi phục so với mấy năm trước đây. Nhu cầu nội địa trong mấy năm vừa qua khá trầm lắng bởi đại dịch, còn trong mấy tháng trở lại đây, đặc biệt là tháng này có sự hồi phục rất lớn. Điều đó liên quan nhiều đến việc người tiêu dùng quay trở lại thị trường, bởi vậy rất tiềm năng cho sự phát triển của nền kinh tế.

Đại diện World Bank cũng cho hay, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm khá mạnh mẽ ở mức 16,9% so với cùng kỳ. Mức tăng này đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến trong vài tháng trở lại đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước