World Cup vẫn chưa diễn ra nhưng theo Reuters, Adidas hiện đã dẫn trước kình địch Nike xét trên phương diện trang phục thi đấu. 12/32 đội tuyển với những ứng viên vô địch như Đức, Tây Ban Nha và nước chủ nhà Nga lựa chọn quần áo Adidas trong khi Nike chỉ có 10 đội, bao gồm Brazil, Pháp và Anh. Puma - một thương hiệu đồ thể thao danh tiếng khác của Đức bị bỏ lại khá xa khi nhiều đội bóng hãng tài trợ như Italy, Bờ Biển Ngà hay Ghana đều không thể vượt qua vòng loại.
Theo tờ Mirror, một yếu tố quan trọng không kém trong cuộc chiến giữa các thương hiệu là việc bán giày thông qua sự tài trợ cho các cầu thủ hàng đầu. Nếu như Nike có Cristiano Ronaldo thì Adidas có Lionel Messi. Trong trận chiến này, Nike có vẻ chiếm ưu thế khi dự kiến sẽ có tới 60% số cầu thủ tham gia World Cup đi giày của hãng, bao gồm cả những cầu thủ mặc trang phục Adidas. Ngoại lệ duy nhất là Iran - quốc gia đang phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ và sẽ không sử dụng giày của Nike.
Chiến thắng tại World Cup rất quan trọng, nhưng chưa chắc đã đảm bảo một thành công dài lâu cho các thương hiệu. Bằng chứng là trong 3 kỳ World Cup gần nhất, vị trí dẫn đầu về thị phần áo đấu luôn thay đổi. Nếu như World Cup 2006 chứng kiến Puma bỏ xa các đối thủ, thì Adidas lại trỗi dậy mạnh mẽ hồi năm 2010 trên đất Nam Phi, trước khi Nike lên đỉnh thế giới 4 năm sau đó. Sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành hàng thể thao khiến những ông lớn hoàn toàn có thể bị bỏ lại nếu không liên tục làm mới mình.
Một yếu tố quan trọng khác cũng có thể khiến chiến thắng tại World Cup của các thương hiệu kém phần lung linh. Đó là việc nền kinh tế nước chủ nhà Nga đang không ở trong tình trạng tốt. Hãng Reuters trích dẫn phân tích của các chuyên gia RBC Capital Markets cho thấy, World Cup sẽ chỉ giúp Adidas - thương hiệu đang dẫn đầu tại giải đấu năm nay tăng doanh thu từ 3-4%, thấp hơn so với các mùa giải trước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!