Xác thực sinh trắc học bảo vệ tiền trong tài khoản như thế nào?

VTV Digital-Thứ năm, ngày 13/06/2024 20:41 GMT+7

VTV.vn - Từ ngày 1/7 tới, theo Quy định của Ngân hàng Nhà nước, những giao dịch có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên sẽ phải xác thực sinh trắc học để đảm bảo an toàn, minh bạch.

Kể từ ngày 1/7 tới đây, theo Quy định của Ngân hàng Nhà nước những giao dịch có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên hoặc 1 tài khoản có tổng giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên sẽ phải xác thực sinh trắc học để đảm bảo an toàn, minh bạch.

Nhiều khách hàng cho biết, lâu nay họ vẫn sử dụng sinh trắc học trong giao dịch. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết việc này về cơ bản thuộc 2 dạng.

Thứ nhất là sử dụng vân tay hoặc Face ID của điện thoại để thay cho thao tác nhập lại mật khẩu. Cách này cơ bản chỉ giúp xác thực chủ nhân của thiết bị chứ không xác thực chủ tài khoản. Vì thế nếu tôi dùng đăng nhập tài khoản của bạn trên điện thoại của tôi thì tôi vẫn có thể giao dịch bình thường.

Dạng thứ hai là đối chiếu gương mặt với dữ liệu mà ngân hàng thu thập. Với dạng này, mức độ bảo mật cao hơn nhưng có thể bị sai lệch nếu giấy tờ của chủ tài khoản bị giả mạo hoặc không chính xác. Trong khi đó, quy định 2345 sẽ đòi hỏi mức bảo mật sinh trắc học cao hơn.

Từ 01/07, giao dịch xác thực sinh trắc học sẽ được đối chiếu với thông tin của chủ tài khoản lưu trên kho dữ liệu dân cư của Bộ Công an, vì thế được đảm bảo chỉ chủ tài khoản mới có thể thực hiện các giao dịch này.

Ông Hoàng Minh Ngọc - Phó Tổng giám đốc ngân hàng Agribank cho biết: "Việc xác thực này làm thông tin của khách hàng được chính xác, ngân hàng có kho dữ liệu về khách hàng lưu lâu dài, quan hệ với khách hàng tốt hơn, giảm các thủ tục giấy tờ hành chính".

Theo các chuyên gia, việc đối soát dữ liệu của người giao dịch với dữ liệu lưu trữ của Bộ Công an giúp ngân hàng xác định được giao dịch có chính chủ không, nếu không trùng khớp thì giao dịch sẽ bị từ chối.

"Việc những kẻ lừa đảo sẽ phải thực hiện việc đăng ký và chuyển tiền với xác thực sinh trắc học như vậy sẽ không có nhiều tài khoản ảo, khi đó các cơ quan chức năng sẽ dễ dàng trong việc truy tìm cũng như thu hồi dòng tiền cho người dân khi bị lừa đảo ở trên không gian mạng", ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ, CTCP An ninh mạng Quốc gia NCS cho hay.

Theo Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh xác thực chủ tài khoản, quy định này cũng giúp cơ quan này sàng lọc các tài khoản rác nằm trong diện nguy cơ.

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho biết: "Chúng tôi thu thập tất cả những tài khoản, những số căn cước công dân đã từng ăn gian nói dối ở đây vào kho giữ liệu. Nếu chứng minh thư của quý vị đã từng rơi vào kho dữ liệu này thì chúng tôi chỉ yêu cầu tăng cường mức xác thực lên thôi. Thay vì trước kia được làm điện tử thì giờ phải ra quầy, muốn làm tiếp giao dịch thì chúng tôi yêu cầu xác thực tăng thêm".

Hiện Bộ Công an và ngành Ngân hàng đã thực hiện làm sạch 49 triệu dữ liệu của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia, 3,5 triệu dữ liệu của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, ví điện tử. Giao dịch từ 01/07 về cơ bản sẽ được đảm bảo minh bạch, an toàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước