Xây dựng cơ chế thích ứng thuế tối thiểu toàn cầu: Không thể chậm chân

Điệp Anh-Thứ năm, ngày 18/05/2023 17:56 GMT+7

VTV.vn - Trong bối cảnh chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sắp có hiệu lực, theo chuyên gia, Việt Nam cần sớm thay đổi thể chế chính sách và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tính đến tháng 4, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,88 tỷ USD, bằng 82% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong một cuộc sự kiện gần đây, lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, có dấu hiệu các tập đoàn lớn xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam, trong bối cảnh chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ đầu năm sau. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần sớm thay đổi thể chế chính sách và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để không mất đi sức hút trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Theo quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, các công ty đa quốc gia có doanh thu trên 750 triệu Euro sẽ bị áp dụng mức thuế tối thiểu 15%.

Thống kê của Bộ Tài chính chỉ ra, hiện 1.015 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế này. Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi, thì họ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính cho biết, sẽ áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam để thu hồi lại những ưu đãi trực tiếp từ thuế hiện nay.

Xây dựng cơ chế thích ứng thuế tối thiểu toàn cầu: Không thể chậm chân - Ảnh 1.

Theo quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, các công ty đa quốc gia có doanh thu trên 750 triệu Euro sẽ bị áp dụng mức thuế tối thiểu 15%. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

"Bộ Tài chính sẽ chuẩn bị các hồ sơ tài liệu để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 5 này và các giải pháp áp dụng ngay trong năm 2024 sẽ được Quốc hội thảo luận, thông qua trong phiên họp tháng 10 năm nay, dự kiến áp dụng từ 1/1/2024", ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, thông tin.

Khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các chính sách ưu đãi dựa trên thu nhập sẽ không còn hiệu quả. Do vậy, các chuyên gia kiến nghị, nên tăng cường các chính sách dựa trên cơ sở cấn trừ chi phí.

"Giảm trừ các chi phí về giá điện, ví dụ giảm ở một tỷ lệ nhất định, có thể chúng ta giảm trừ chi phí về đào tạo cán bộ công, nhân viên, an sinh xã hội cho việc thuê nhà, thuê xe vận chuyển công nhân đến nơi làm việc", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nêu quan điểm.

Ngoài ra, đòi hỏi về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ lớn hơn bao giờ hết. Hàng năm, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02, hiện là một phần của Nghị quyết 01, trong đó đưa ra nhiều chương trình cải cách thể chế như cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành với những tư tưởng đổi mới mạnh mẽ. Các chuyên gia đề nghị, quá trình thực hiện cần quyết liệt hơn.

"Trước đây chúng ta có những chương trình 1 năm, chương trình dài hạn, thì hiện nay phải tính thời gian, làm sao hoàn thành sớm hơn, cần so sánh thêm một bước nữa là kết quả của chúng ta có đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi với những sự vận động mới", ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hộ , nhận định.

Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… là các nhà đầu tư lớn của Việt Nam và là các nước có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu. Do đó, Việt Nam không thể chậm chân trong việc xây dựng các chính sách thích ứng với thuế này và thu hút đầu tư.

Sẽ sớm báo cáo Chính phủ giải pháp ứng phó tác động thuế tối thiểu toàn cầu Sẽ sớm báo cáo Chính phủ giải pháp ứng phó tác động thuế tối thiểu toàn cầu

VTV.vn - Đại diện Bộ Tài Chính cho biết đang gấp rút nghiên cứu chính sách để trình Chính phủ sớm nhất những giải pháp ứng phó với tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước