“Xe máy Việt Nam đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”

Ngọc Diệp-Thứ năm, ngày 24/01/2013 10:33 GMT+7

Nguồn ảnh: TTX

“Xe máy “made in Vietnam” có thế xuất khẩu sang nhiều nước, khu vực vẫn còn đang sử dụng xe máy như Nam Á hay Nga, châu Phi”. Đó là khẳng định của ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam.

Năm 2012, cứ 10 doanh nghiệp Nhật kinh doanh tại Việt Nam thì 6 doanh nghiệp có lãi, tỷ lệ này thấp hơn so với mức trung bình 67,5% của khu vực ASEAN nhưng lại cao hơn so với mức 57,2% của Trung Quốc.

Thông tin trên được đưa ra sau đợt khảo sát do Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật (JETRO) tiến hành với khoảng 8.000 doanh nghiệp Nhật hiện đang đầu tư vào khoảng 20 nước và khu vực từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11/2012.

Đối với các doanh nghiệp Nhật đang kinh doanh tại Việt Nam, thách thức lớn nhất chính là mức tăng lương của lao động qua các năm với mức tăng thấp nhất cũng khoảng 10% và cao nhất lên đến 20%/năm. Thế nhưng, Việt Nam vẫn còn lợi thế rất lớn về lương bởi dù mức tăng tuy cao, nhưng lương trung bình của công nhân ngành chế tạo Việt Nam mới chỉ là 145 USD/tháng, trong khi mức lương này tại Thái Lan, Trung Quốc và Indonesia cao gấp từ 1,5 - 2 lần, điều này khiến gần 66% doanh nghiệp Nhật cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam khẳng định: “Chiến lược của các doanh nghiệp Nhật là ở đâu có thị trường thì ở đó có đầu tư. Các nhà đầu tư Nhật luôn coi Đông Nam Á như một thị trường quan trọng, đồng thời là địa điểm sản xuất quan trọng để xuất hàng sang các khu vực khác trên thế giới”.

Thế nhưng có một thực tế là trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn còn thua kém nhiều nước như Thái Lan hay Indonesia về thu hút đầu tư. Hoạt động của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung vào những ngành sử dụng nhiều lao động khiến hoạt động chuyển giao công nghệ chưa thực sự sôi động. Biểu hiện rõ nhất là hai hãng ô tô hàng đầu của Nhật tuy đã vào Việt Nam kinh doanh cả hơn chục năm nay, nhưng tỷ lệ nội địa hóa vẫn chưa đến 10%. Đại diện phía Nhật cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ việc Việt Nam dường như không thực sự khuyến khích phát triển ô tô bởi chính sách thuế và phí còn nhiều bất cập. Do vậy, Đại diện của JETRO cho rằng, thay vì ô tô, Việt Nam nên chú trọng đến xuất khẩu mặt hàng xe máy, loại phương tiện đã có tỷ lệ nội địa hóa lên đến 90%.

Trên thực tế, không phải đến lúc này Việt Nam mới tính đến xuất khẩu xe máy. Mục tiêu này thực chất đã được đưa ra từ trong Quy hoạch phát triển công nghiệp xe máy Việt Nam giai đoạn 2006 - 2015, thế nhưng hoạt động xuất khẩu đối đầu rất nhiều khó khăn, từ sở hữu công nghiệp cho đến thanh toán và dịch vụ sau bán hàng. Còn theo Tiến sĩ Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, so với các nước trong khu vực, Việt Nam không thực sự có thế mạnh trong lĩnh vực này.

“Trong khu vực cũng nhiều nước sản xuất xe máy, chất lượng rất tốt và Việt Nam không hẳn có thế mạnh. Xét về dài hạn, thị trường này không mấy triển vọng. Nếu muốn phát triển thị trường này thì cần đến một công nghệ để sản xuất xe tiêu thụ ít xăng hơn hoặc sử dụng nhiên liệu sạch. Tuy nhiên để thay đổi theo hướng trên, cần đến hệ thống công nghệ mới, đồng bộ và khá tốn kém. Mục tiêu này dù khá tham vọng nhưng thực sự không mấy khả thi ở thời điểm hiện tại” - Tiến sĩ Bùi Tất Thắng nói.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước