Xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm đối với doanh nghiệp lúa gạo

Thùy Linh-Thứ sáu, ngày 27/08/2021 15:22 GMT+7

VTV.vn - Đây là yêu cầu được Ngân hàng nhà nước đưa ra trong cuộc họp với các ngân hàng thương mại nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo tại khu vực ĐBSCL.

Doanh nghiệp ngành lúa gạo gặp hàng loạt khó khăn

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang gây ảnh hưởng tiêu cực, gây ách tắc và làm đứt gẫy chuỗi cung ứng sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL.

Tại Hội nghị trực tuyến "Giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo khu vực ĐBSCL" tổ chức mới đây, các đại biểu đã tập trung vào những thuận lợi, khó khăn và đề xuất, kiến nghị nhằm đẩy mạnh việc thu mua, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, đặc biệt trong tình hình hiện nay.

Theo các đại biểu, do nhiều tỉnh đang áp dụng giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp ngành lúa gạo gặp khó khăn trong việc thu hoạch, lưu thông, sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo.

Các thương lái và phương tiện gặt đập liên hợp ngoài tỉnh bị hạn chế vào địa bàn, trong khi vụ lúa Hè Thu đã và đang vào thu hoạch, người dân tạm dừng hoặc không mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, trồng trọt. Lưu thông hàng hóa của khách hàng gặp rất nhiều khó khăn.

Xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm đối với doanh nghiệp lúa gạo - Ảnh 1.

Hoạt động sản xuất và cung ứng lúa tới các nhà máy đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa - Dân trí.

Ngoài ra, các khách hàng là doanh nghiệp đang tổ chức sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" nên năng suất hoạt động bị giảm do thiếu hụt nguồn công nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng. Một số nhà máy của doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động do nằm trong vùng dịch.

Tình hình xuất khẩu gạo rất khó khăn, các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu cầm chừng vì không có nhiều đơn hàng.

Bên cạnh đó, chuỗi sản xuất - cung ứng của nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy; hàng hóa tồn kho với số lượng lớn, doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng; giảm đơn hàng, giảm sản lượng, trì hoãn, phát sinh thêm chi phí phòng chống dịch COVID-19.

Đặc biệt có nhiều trường hợp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực thu mua và chế biến nông sản dừng hoạt động do tình hình dịch bệnh…

Linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay

Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng, trong đó có các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân kinh doanh, đầu tư, chế biến thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý.

"Mở rộng, tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua, tạm trữ thóc, gạo cho người nông dân trong vụ Hè Thu, tới đây là vụ Thu Đông nhằm góp phần ổn định giá thóc gạo, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa", Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú lưu ý.

Xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm đối với doanh nghiệp lúa gạo - Ảnh 2.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Báo ĐT ĐCSVN)

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cũng yêu cầu cần thực hiện nghiêm túc quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo; tiết giảm mọi chi phí hoạt động không cần thiết để dành nguồn lực giảm lãi suất vay; thực hiện cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay lên tới 1%/năm trong các tháng cuối năm như kế hoạch đã đăng ký với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

"Cùng với đó, linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay, xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền. Tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng", Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Mặt khác, chủ động tiếp cận các doanh nghiệp, thương nhân lúa gạo và thỏa thuận các nội dung liên quan theo nguyên tắc tín dụng thương mại, phù hợp quy định pháp luật về cấp tín dụng.

Phó Thống đốc Thường trực cũng yêu cầu ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố bám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, kịp thời phát hiện những vướng mắc, khó khăn phát sinh trên địa bàn trong hoạt động của ngành lúa, gạo, làm đầu mối phối hợp với các sở, ban, ngành ở địa phương xử lý các vướng mắc, khó khăn của các ngân hàng thương mại.

Hiện nay có trên 50 tổ chức tín dụng và hơn 1.000 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay lĩnh vực lúa, gạo. Dư nợ cho vay lĩnh vực lúa, gạo luôn có tốc độ tăng trưởng bình quân cao trong giai đoạn 2016-2020, bình quân tăng 24%/năm. Đến cuối tháng 7/2021, dư nợ ngành lúa gạo đạt 144.657 tỷ đồng, tăng 11,33% so với cuối năm 2020.

Riêng các tỉnh ĐBSCL, đến cuối tháng 7/2021 dư nợ ngành lúa gạo tại ĐBSCL đạt 74.139 tỷ đồng, tăng 15,45%, chiếm 51,25% dư nợ lúa gạo toàn quốc.

Từ đầu năm 2021 tới nay, các tổ chức tín dụng tại ĐBSCL đã cấp hạn mức tín dụng khoảng 56.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua, tạm trữ lúa gạo, đã giải ngân với tổng doanh số lũy kế 93.000 tỷ đồng để thu mua gần 7,3 triệu tấn gạo.

Dư nợ thu mua, tiêu thụ đến cuối tháng 8/2021 ước đạt 51.500 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2020, chiếm 92% hạn mức được cấp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước