Phiên giao dịch ngày 24/2, VN-Index mở cửa trong trạng thái hưng phấn trước thông tin tích cực về phiên điều trần của chủ tịch FED và việc những liều vaccine COVID-19 đầu tiên đã về đến Việt Nam. Sau phiên ATO, VN-Index đạt được mức tăng gần 7 điểm với sắc trên nhiều cổ phiếu. Mặc dù vậy, sự hưng phấn kéo dài không lâu thì bên mua có dấu hiệu chùn tay lại trước áp lực từ thị trường chứng khoán Á đang đỏ lửa. Biên độ tăng điểm theo đó cũng dần thu hẹp và đến cuối phiên sáng chỉ số VN-Index chỉ còn đạt mức gần tham chiếu. Sang đến phiên chiều, một cú đánh knock-out từ phía bên bán khiến thị trường có lúc mất hơn 23 điểm.
Dù đến cuối phiên, tâm lý nhà đầu tư đã trở nên ổn định hơn nhưng VN-Index vẫn phải đóng cửa ở mức giảm 15,63 điểm để lui về mốc 1.162,01 điểm, trong đó, chỉ số VN30 giảm 15,29 điểm xuống 1.167,18 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 93 mã tăng/357 mã giảm, ở rổ VN30 có 4 mã tăng, 26 mã giảm và 0 mã giữ tham chiếu. Thanh khoản phiên này đã giảm so với phiên hôm trước, tuy nhiên vẫn ở mức cao với giá tṛi khớp lệnh đạt gần 14.106 tỷ đồng.
Áp lực từ thị trường chứng khoán châu Á đang đỏ lửa, VN-Index mất 15,63 điểm.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán MB (MBS), thị trường chốt phiên giảm điểm cùng xu hướng so với thị trường quốc tế, quán tính này tiếp tục được thể hiện trong phiên 24/2, đã có thời điểm chỉ số VN-Index bị ép xuống dưới ngưỡng 1.154 điểm (tương đương giảm hơn 20 điểm), tuy vậy lực cầu bắt đáy đã kéo thị trường hồi phục và thu hẹp mức giảm còn hơn 15 điểm. Xét về mặt dòng tiền thì nhịp hồi cuối phiên và việc thị trường có thể hấp thụ lớn hơn lượng hàng T+ về tài khoản là mặt tích cực.
"Rủi ro lúc này là ở thị trường quốc tế trong bối cảnh thị trường trong nước đang duy trì chuỗi tăng kéo dài. Việc thị trường có điều chỉnh cũng là điều dễ hiểu sau chuỗi tăng vừa qua và nếu tiếp tục duy trì được mức tương quan thấp so với thị trường quốc tế trong 4 tuần vừa qua, tác động từ thị trường quốc tế là không đáng ngại", chuyên gia MBS nhận định.
Trên HNX, chỉ số chính của sàn này cũng có cú lao mạnh ngay đầu phiên khi lệnh bán ồ ạt từ sàn HOSE lây lan sang. Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,9 điểm (-0,37%), xuống 237,89 điểm với 84 mã tăng và 111 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 156,9 triệu đơn vị, giá trị 2.454,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,9 triệu đơn vị, giá trị 15 tỷ đồng, tăng hơn 12,5% về khối lượng và 9% về giá trị so với phiên 23/2. SHB vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 23,4 triệu đơn vị và vẫn đóng cửa giảm 1,8% xuống 16.000 đồng.
Trên sàn UPCoM cũng có diễn biến giống 2 sàn niêm yết khi lao mạnh đầu phiên chiều trước khi hồi nhẹ trở lại, nhưng không tránh khỏi phiên giảm điểm.
Chốt phiên giao dịch ngày 24/2, UPCoM-Index giảm 0,33 điểm (-0,44%), xuống 76,13 điểm với 121 mã tăng và 137 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 61,3 triệu đơn vị, giá trị 1.160 tỷ đồng.
Phiên giao dịch ngày 24/2 khối ngoại quay lại mua ròng với tổng giá trị mua ròng trên HOSE là 684,62 tỷ đồng, trong đó: tổng mua 706,56 tỷ đồng; tổng bán 1391,18 tỷ đồng.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán Kiến Thiết (VNCSI), phiên giảm điểm ngày 24/2 tạo trên đồ thị kỹ thuật của chỉ số VN-Index mẫu hình nến Bearish Engulfing, hàm ý xu hướng đảo chiều trong ngắn hạn có thể xuất hiện. Điểm cộng là mức thanh khoản của cây nến không phải quá lớn, cho thấy lực bán ra chưa là quá mạnh.
"Phiên giảm điểm ngày 24/2 chưa đủ sức bẻ gãy xu hướng tăng trong ngắn hạn của thị trường. Mặc dù vậy với diễn biến hiện tại chúng tôi đang nghiên về kịch bản thị trường có thể sẽ có thêm một số phiên điều chỉnh. Nếu kịch bản này xảy giá, vùng giá 1.115 - 1.120 mà hai đường MA20 và MA50 đi qua sẽ đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ quan trọng của đợt điều chỉnh này", VNCSI nêu ý kiến.
Theo VNCSI, mức thanh khoản không quá cao cho thấy phiên giao dịch ngày 24/2 không phải là quá tiêu cực. Áp lực từ thị trường chứng khoán thế giới vẫn là yếu tố chính đang tác động đến tâm lý giao dịch của nhà đầu tư trong nước.
"Với diễn biến hiện tại, khuyến nghị của chúng tôi hầu như được giữ nguyên xuyên suốt những phiên vừa qua. Cho đến khi thị trường có những chuyển biến mới thì việc hạn chế giải ngân và duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức vừa phải là điều cần thiết lúc này", chuyên gia VNCSI khuyến cáo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!