Ngôi nhà khá lạ mắt với gần 20 ngàn cái bịch như thế này… Bên trong bịch là mùn cưa. Trước đây mùn cưa thường đổ bỏ thì giờ lại được xử lý, cho vào bịch.
Sau hai tháng, từ những chiếc bịch mùn cưa, nấm bào ngư mọc ra. Một kg nấm bào ngư bán ra lên đến trên dưới 80 ngàn đồng. Không chỉ là thu nhập, điều mà anh Nguyễn Hữu Lộc- chủ nhân của ngôi nhà nấm ưng ý, chính là đã lựa chọn mô hình kinh tế tuần hoàn để khởi nghiệp. Phế phẩm mùn cưa lại trở thành nguyên liệu đầu vào cho cơ sở trồng nấm, giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo quy mô sản xuất mỗi tháng từ 500-700 kg nấm
Những bịch nấm sau khoảng 10 lứa thu hoạch, chúng được thải ra. Thải ra, nhưng không có nghĩa vứt bỏ.Mùn cưa trong những bịch trồng nấm tiếp tục được anh Lộc xử lý, ủ thành phân bón.
Một quy trình canh tác hữu cơ được định hình mà các khâu sản xuất đều được kết nối tuần hoàn, phế thải của khâu này trở thành nguyên liệu đầu vào của khâu sản xuất khác. Ở Khánh Hòa, bắt đầu đã có có những người trẻ đi theo xu hướng vận dụng kinh tế tuần hoàn trong canh tác nông nghiệp.
Giảm chi phí sản xuất và khoản lợi lớn hơn là giảm sức ép môi trường. Những người trẻ như Nguyễn Hữu Lộc đang tìm cách đem những khoản lợi đến với nhiều người hơn ở vùng quê này./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!