Trong 4 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 240 tỷ USD, trong đó xuất siêu 2,53 tỷ USD. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 cộng với chi phí vận chuyển tăng cao, nhưng xuất khẩu vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam 4 tháng vừa qua.
Xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 4 vừa qua trong bối cảnh kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh, nhận định từ chuyên trang kinh tế TIMVEST của Thụy Sĩ.
Báo Thế giới thị trường tài chính của Đức có bài viết nhấn mạnh Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn sau dịch COVID-19, mọi ngành nghề đều có dấu hiệu khởi sắc. Xuất khẩu của Việt Nam năm nay sẽ đạt kỷ lục mới.
Xuất khẩu vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam 4 tháng vừa qua. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Xét theo từng ngành hàng, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Âu tiếp tục tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm 2022, nhờ hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA). Trong khối, Italy bất ngờ dẫn đầu về lượng nhập khẩu gạo của Việt Nam với mức tăng gấp 26 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, còn có một số thị trường trọng điểm khác như Đức, Pháp và Hà Lan.
Trong khối ASEAN, vẫn còn nhiều dư địa cho Việt Nam xuất khẩu gạo sang các nước láng giềng, đó là dòng tít của bài viết được trang EIN presswire đăng tải.
Trong khi hoa Việt Nam được bán ngày càng nhiều ở Nhật Bản. "Khoảng 40% hoa trong siêu thị này được nhập khẩu. Hoa nhập khẩu từ Việt Nam được người Nhật rất yêu thích nên doanh số của chúng tôi rất tốt. Trong những ngày lễ, doanh số của chúng tôi có thể đạt gấp 20 lần ngày thường", bà Kaori Sato, Trưởng bộ phận Sản phẩm cây trồng, AEON Retail, Nhật Bản, cho biết.
Cùng với xuất nhập khẩu, thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam ghi nhận những tín hiệu tích cực. Trang The Star của Malaysia trích dẫn, trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã cấp phép cho 454 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 3,7 tỷ USD.
Nhiều nhà đầu tư châu Âu lạc quan hơn về triển vọng đầu tư vào Việt Nam. Bài viết trên trang Fibre2fashion cho biết, 2/3 số doanh nghiệp châu Âu được hỏi tin rằng nền kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng ổn định và cải thiện trong quý 2 năm nay, so với 58% những người có quan điểm này vào quý 4/2021.
Báo chí quốc tế và các chuyên gia nhận định, với chính sách mở cửa, ứng phó linh hoạt, các hoạt động sản xuất của Việt Nam đang tiếp tục được đẩy mạnh, mở rộng, là động lực quan trọng cho phục hồi kinh tế. Đây cũng là đòn bẩy giúp xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!