Xuất khẩu đang dần lấy lại đà tăng trưởng

VTV Digital-Thứ năm, ngày 14/09/2023 06:01 GMT+7

VTV.vn - Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm do được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố.

Xuất khẩu tháng 8 có nhiều dấu hiệu tích cực

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để phát triển, mở rộng các thị trường mới, nhiều tiềm năng, tranh thủ tối đa sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực. Đây là một phần nội dung trong Nghị quyết 144 phiên họp thường kỳ tháng 8 được Chính phủ ban hành mới đây. Đây tiếp tục là định hướng giải pháp xuyên suốt của Chính phủ cho hoạt động xuất khẩu hàng hoá trong suốt thời gian qua.

Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 228 tỷ USD, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước, nhưng dấu hiệu phục hồi thấy rõ khi tính riêng tháng 8, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 32,76 tỷ USD, tăng 9%. Đây là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong một năm trở lại đây và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp.

Xuất khẩu đang dần lấy lại đà tăng trưởng - Ảnh 1.

Xuất khẩu tháng 8 có nhiều dấu hiệu tích cực. Ảnh minh họa.

Trong tháng 8 hầu hết các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đều lấy lại đà tăng trưởng so với tháng trước đó. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 8 với kim ngạch xấp xỉ 27,9 tỷ USD, tăng 7,8% so với tháng trước. Mặt hàng máy ảnh, máy quay và linh kiện tăng mạnh nhất 79%, còn điện thoại và linh kiện tăng 15,7%. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 2,95 tỷ USD, tăng 13,8% so với tháng trước, chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu gạo tăng trên 50%, ước đạt 582 triệu USD.

Một điểm sáng, đáng ghi nhận trong tháng 8 là tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 8,7% cao hơn khu vực FDI và cao hơn so với mức tăng xuất khẩu chung cả nước.

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu tăng trong tháng 8 cho thấy có những kỳ vọng về đơn hàng xuất khẩu phục hồi, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA.

Tận dụng thị trường ngách, doanh nghiệp gia tăng doanh thu

Một vài tháng trở lại đây, tình hình xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực đang có dấu hiệu tích cực. Dưới sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và các bộ ban ngành, các doanh nghiệp và hiệp hội cũng đã nỗ lực tìm kiếm, tận dụng thị trường ngách, sản phẩm ngách để tìm kiếm đơn hàng, tăng doanh thu.

Như câu chuyện trong ngành thuỷ sản, 8 tháng qua, xuất khẩu thuỷ sản giảm tới 25% về giá trị, đạt 5,8 tỷ USD. Tuy nhiên, ngược dòng suy giảm này, nhiều mặt hàng cá nước ngọt xuất khẩu tăng đột biến hàng trăm phần trăm. Cá đóng hộp, tôm khô cũng tăng trưởng hàng chục phần trăm. Theo hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) đây là một xu hướng thấy rõ trong 8 tháng qua.

Xuất khẩu đang dần lấy lại đà tăng trưởng - Ảnh 2.

Một vài tháng trở lại đây, tình hình xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực đang có dấu hiệu tích cực. Ảnh minh họa.

Từ con số 0, sau 9 tháng, lượng tôm xuất khẩu vào thị trường ngách Đài Loan, Trung Quốc đã chiếm 20% sản lượng hàng xuất khẩu của Công ty cổ phần Tập đoàn HPC. Nói là thị trường nghách, nhưng doanh nghiệp cũng phải mất tới gần 2 năm để đưa tôm vào thị trường trường từ việc các cơ quan chức năng đánh giá nhà máy, xin mã xuất, đến việc tìm kiếm bạn hàng. Với họ biên lợi nhuận từ thị trường mới này đạt khoảng 8%, cũng là mức hấp dẫn của doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam trong giai đoạn khó khăn này.

Thị trường khu vực Đông Âu, Trung Đông, cũng đang được các doanh nghiệp thuỷ sản nỗ lực khai thác. Theo Vasep, ngoài việc khai thác thị trường ngách thì nhiều mặt hàng không phải thế mạnh của thuỷ sản Việt Nam lại bất ngờ tăng trưởng mạnh như cá nước ngọt, hàng thuỷ sản khô, hàng đóng hộp

Đại diện Vasep khẳng định lạm phát đã làm thay đổi nhu cầu của nhiều thị trường nhập khẩu. Các mặt hàng trên có giá phù hợp cho người tiêu dùng thu nhập trung bình hoặc thấp nên được ưa chuộng hơn. Vasep còn khuyến nghị, các doanh nghiệp thuỷ sản cũng nên tiếp tục năm bắt xu hướng này để gia tăng doanh thu.

Doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu nỗ lực giữ chân khách hàng

Ngoài việc đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng dệt may, đồ điện tử và linh kiện tiếp tục tranh thủ sự hồi phục của thị trường truyền thống, để có thể gia tăng đơn hàng từ nay đến cuối năm.

Công ty Cổ phần Đúc kim loại Kyoyo Việt Nam mỗi tháng xuất khẩu 30.000 bộ linh kiện hệ thống van điện tử sang Nhật, Mỹ, hai quý đầu năm, lượng đơn hàng giảm 20%, thế nhưng hiện tại, họ đã thấy tín hiệu đặt hàng tăng trở lại.

"Ấm dần lên" cũng là tín hiệu các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may. Họ cho biết hiện nay thị trường Mỹ, khách hàng đã bắt đầu tăng đặt hàng trở lại cho những tháng cuối năm và đầu vụ xuân hạ 2024. Tuy nhiên để đạt mục tiêu xuất khẩu, họ vẫn liên tục mở rộng các thị trường trong khu vực.

Xuất khẩu đang dần lấy lại đà tăng trưởng - Ảnh 3.

Hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm. Ảnh minh họa.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực của Việt Nam phần lớn đáp ứng được các yêu cầu của các đối tác nước ngoài, tuy nhiên họ cần chủ động tìm hiểu thông tin và tham gia giao thương trực tiếp để không tốn thời gian, chi phí tìm kiếm đơn hàng.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: "Các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phải cung cấp thông tin về thị trường, cung cấp thông tin về nhu cầu nước sở tại cũng như chính sách và sự thay đổi của chính sách một cách kịp thời…".

Bộ Công Thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp dệt may, da giày khi xuất khẩu sang châu Âu thời gian tới cần cập nhật liên tục những thay đổi liên quan đến các chứng nhận sản xuất bền vững, sử dụng nguyên phụ liệu thân thiện với môi trường và các trách nhiệm xử lý, tái chế hoặc sửa chữa sản phẩm để tránh bỏ lỡ cơ hội các đơn hàng giá trị cao.

Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm do được hỗ trợ bởi các yếu tố như lạm phát có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu… và tồn kho tại các nước đang giảm dần. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng thường tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá.

Những chỉ đạo kịp thời của Chính phủ trong Nghị quyết 144 phiên họp thường kỳ tháng 8 mới ban hành, một lần nữa khẳng định quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước