Xuất khẩu gà: “Vậy mà không phải vậy?”

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 15/09/2017 11:11 GMT+7

VTV.vn - Trong 300 tấn gà sạch lần đầu tiên được xuất đi Nhật vừa qua, doanh nghiệp Việt chỉ giữ vai trò nuôi gia công.

Câu chuyện gà xuất khẩu Nhật, thương hiệu quốc tế đại náo thời trang Việt và những bộ phim là những thông tin đáng chú ý trên tờ Diễn đàn doanh nghiệp số ra sáng nay (15/9).

Thứ nhất, trong 300 tấn gà sạch lần đầu tiên được xuất đi Nhật vừa qua, doanh nghiệp Việt chỉ giữ vai trò nuôi gia công. Tiếp theo là cuộc đại náo của Zara và H&M trong ngành thời trang Việt. Cuối cùng, hãng phim truyện Việt Nam (VFS) được định giá thương hiệu 0 đồng.

Báo Diễn đàn doanh nghiệp phân tích, gà xuất đi Nhật là sản phẩm của một tập đoàn xuyên quốc gia, giống gà của Bỉ, thức ăn do một tập đoàn Hà Lan sản xuất và một công ty của Nhật sẽ chịu trách nhiệm cung cấp gà thịt thương phẩm. Trong chuỗi liên kết khắt khe nói trên, doanh nghiệp Việt chỉ nhận được phần nuôi gia công - vốn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng giá trị sản phẩm.

Cũng không quá khó hiểu khi sau một chuyến bay sang Nhật, chú gà này được khai sinh tên mới là 99 Poultry. Tờ Diễn đàn doanh nghiệp đặt ra một câu hỏi: Đến khi nào, ngành chăn nuôi gà công nghiệp của Việt Nam với sản lượng 150 triệu con mỗi năm mới có thể xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu Việt?

Cách đây ít ngày, đã có hàng nghìn lượt khách lũ lượt đến mua sắm trong ngày khai trương cửa hàng H&M tại TP.HCM. Thật tréo ngoe khi điều này lại xảy ra tại một quốc gia xuất khẩu hàng dệt may thuộc top đầu thế giới, với rất nhiều thương hiệu thời trang trong nước chất lượng cao.

Cuối năm nay, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 sẽ diễn ra. Đây là ngày hội với người làm điện ảnh, nhưng lại là nỗi ngậm ngùi với những nghệ sĩ từng gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam (VFS). Khi hãng phim đổi chủ thì cũng đổi tên, bởi thương hiệu của hãng được định giá bằng 0.

Vì sao mà một hãng phim với tuổi thọ 60 năm cùng một loạt những bộ phim kinh điển như Biệt động Sài Gòn, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, chị Tư Hậu… thương hiệu lại được tính bằng 0? Các cơ quan chủ trì việc cổ phần hóa lý giải do hãng không có những chi phí để xác lập nên giá trị thương hiệu như chi phí đào tạo, quảng cáo, website. Ngoài ra, những khu đất vàng của VFS không nằm trong danh mục định giá để cổ phần hóa do theo luật đây là đất thuê của Nhà nước.

Theo chuẩn mực kế toán VN 04, nhãn hiệu hàng hóa lại được coi là tài sản cố định vô hình và không được định giá trong việc cổ phần hóa. Trả lời trên tờ Diễn đàn doanh nghiệp, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây là sự bất hợp lý, bởi thương hiệu là tài sản vô hình có giá trị thương mại cần được tính vào giá bán.

Cái giá bằng 0 nói trên đã chạm đến tự ái của nhiều nghệ sĩ, nhưng như đạo diễn Đặng Nhật Minh phát biểu trên báo Tuổi trẻ, thương hiệu không phải là cái gì vĩnh viễn nếu ta không giữ được nó bằng chất lượng sản phẩm của mình. Việc xây dựng đã khó, cạnh tranh được với thương hiệu ngoại còn khó hơn, nhưng giữ được thương hiệu vững mạnh lâu dài mới là bài toán nan giải nhất.

Xuất lô thịt gà đầu tiên sang Nhật: Mở ra hướng đi sáng cho ngành chăn nuôi Xuất lô thịt gà đầu tiên sang Nhật: Mở ra hướng đi sáng cho ngành chăn nuôi

VTV.vn - Lô thịt gà đầu tiên của đã chính thức được xuất khẩu đi Nhật Bản, đánh dấu bước tiến quan trọng cho ngành chăn nuôi khi bắt đầu chinh phục được thị trường khó tính.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước