Năm 2016, nước ta chỉ xuất khẩu được chưa tới 5 triệu tấn gạo, giảm 1/4 về số lượng so với năm trước. Tình hình khó khăn này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2017 khi lượng gạo dự trữ trên toàn thế giới đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khó khăn của xuất khẩu gạo ở nước ta không chỉ đến từ bên ngoài mà còn cả từ bên trong.
Là một trong số ít doanh nghiệp tại ĐBSCL còn được hợp đồng xuất khẩu gạo vào thời điểm cuối năm, thế nhưng, Công ty xuất nhập khẩu An Giang vẫn còn đang tồn kho khoảng 30- 40 ngàn tấn gạo. Đơn vị này cho biết, nguyên nhân khiến cho việc xuất khẩu gạo sụt giảm là do mất cân đối cung cầu.
Theo các chuyên gia, thị trường xuất khẩu gạo được coi là thị trường mỏng khi lưu lượng gạo lưu thông trên thị trường thế giới chỉ chiếm khoảng 5% lượng gạo thực tế sản xuất. Lưu lượng gạo dự trữ lớn như vậy nên chỉ cần cầu giảm nhẹ là rất khó khăn.
Tuy nhiên, khó khăn không chỉ đến từ thị trường bên ngoài. Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam, khó khăn của xuất khẩu gạo ở nước ta còn đến từ nguyên nhân bên trong khi chỉ có 10% số doanh nghiệp xuất khẩu nắm được vùng nguyên liệu và quản lý được đầu ra còn lại là thu mua qua thương lái.
Cũng theo Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, trong năm qua, đã có bài học về việc kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu. Nếu không đầu tư vào vùng nguyên liệu và kiểm soát được chất lượng gạo, từ giống lúa đến dư lượng thuốc trừ sâu doanh nghiệp xuất khẩu sẽ còn gặp khó khăn, nhất là khi thị trường bên ngoài bão hòa như hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!