Có được kết quả này là do doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang có lợi thế hơn một số nước xuất khẩu như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia… nhờ Hiệp định EVFTA, giúp giảm thuế nhập khẩu hồ tiêu xay hoặc nghiền sang EU giảm từ 4% còn 0%.
Ngoài ra, Mỹ giảm nhập tiêu từ Ấn Độ và chuyển sang hồ tiêu của Việt Nam vì có mức giá tốt và chất lượng ngày càng cao.
Ngành hồ tiêu Việt Nam cũng được đánh giá tích cực về năng lực chế biến với tỷ lệ hàng qua chế biến chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trung Quốc tăng mạnh tiêu thụ hạt tiêu Việt Nam
Người dân làm sạch tiêu đen sau khi phơi khô. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Trong năm qua, châu Á là khu vực thị trường lớn nhất của hạt tiêu Việt Nam, chiếm hơn một nửa lượng hạt tiêu xuất khẩu của năm 2023. Điều đáng nói, Trung Quốc đã tăng mua rất mạnh hạt tiêu Việt Nam và vượt xa Hoa Kỳ để trở thành thị trường lớn nhất của Việt Nam.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023, chiếm 22,8% thị phần xuất khẩu, đạt hơn 60.000 tấn, tăng 174% so với năm 2022. Hồ tiêu chủ yếu được dùng làm gia vị và trong công nghiệp thực phẩm là sản phẩm được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng và được sử dụng rộng rãi tại nhiều địa phương nước này. Một số địa phương ở Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu lớn của Việt Nam có thể kể đến như Tứ Xuyên, Hồ Nam, Hồ Bắc và một số tỉnh khu vực phía Bắc Trung Quốc.
Trong năm 2024, dự báo nhu cầu sử dụng hồ tiêu tại Trung Quốc vẫn ở mức cao do thói quen tiêu dùng. Ngoài ra, du lịch nội địa phục hồi mạnh cũng kéo theo nhu cầu tiêu dùng, sử dụng dịch vụ ăn uống gia tăng. Bên cạnh đó, mùa đông năm nay lạnh và kéo dài khiến nhiều người dân hướng đến sử dụng các món ăn cay, nóng như lẩu, nướng..., trong đó hồ tiêu là một trong những gia vị không thể thiếu.
Tại thị trường khổng lồ 1,4 tỷ dân của Trung Quốc, dư địa dành cho hồ tiêu Việt Nam vẫn còn lớn, khi các sản phẩm của nước ta chưa thâm nhập sâu vào các địa phương trong nội địa nước này.
Tuy nhiên, để tăng cường xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, mở rộng đối tác nhập khẩu; đồng thời, cần chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu hồ tiêu Việt Nam; nghiên cứu và tuân thủ các quy định của thị trường Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bao bì đóng gói đối với các sản phẩm hồ tiêu.
Đáp ứng quy định chống phá rừng sẽ áp dụng với hồ tiêu
Dự báo xuất khẩu hồ tiêu năm 2024 sẽ thuận lợi, giá tăng do sản lượng giảm, tồn kho hiện ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên để đảm bảo bền vững, việc chuẩn bị cho những quy định mới từ EU là rất cần thiết.
Quy định của EU về chống phá rừng, không gây nguy hại tới rừng, trước mắt áp dụng cho 6 ngành hàng: cà phê, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cao su, sắp tới có thể sẽ áp dụng cho hồ tiêu. Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) khuyến cáo các doanh nghiệp ngành hàng hồ tiêu cần có sự chuẩn bị trước cho quy định này.
EU sắp tới yêu cầu xuất xứ nguồn gốc vùng trồng từ kinh độ và vĩ độ, quyền phụ nữ và trẻ em, trách nhiệm giải trình của người mua tại châu Âu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước nhập khẩu hồ tiêu từ Brazil rất nhiều, nếu xét từ thời điểm truy xuất 12/2020 thì diện tích hồ tiêu của Brazil vẫn chạm tới ngưỡng phá rừng, nguy hại rừng. Vì vậy, Việt Nam cần chuẩn bị hồ sơ để hỗ trợ doanh nghiệp khai báo cho phù hợp khi có yêu cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!