Xuất khẩu năm 2024 có thể đạt con số chưa từng có

Kate Trần-Thứ ba, ngày 20/08/2024 06:08 GMT+7

VTV.vn-Một loạt ngành hàng xuất khẩu chủ lực như nông sản, dệt may, da giày...đều đạt mức tăng trưởng kim ngạch cao - Là nền tảng để xuất khẩu năm 2024 đạt con số cao chưa từng có.

Những con số biết dự báo

Trao đổi với phóng viên VTV Times, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, từ đầu năm đến nay, một loạt ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta như nông sản, dệt may, da giày...đều đạt mức tăng trưởng kim ngạch cao. 

Điển hình, mặt hàng rau quả xuất khẩu tăng trưởng đều ở mức hai con số và liên tục lập những kỳ tích mới. Trong 7 tháng xuất khẩu rau quả đã đạt 3,83 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...tăng trưởng mạnh mẽ. Với động lực và đà tăng trưởng như hiện nay, rau quả Việt Nam có thể vươn tới kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 7 tỷ USD trong năm nay. Riêng trái sầu riêng có thể mang về 3 tỷ USD xuất khẩu.

Bên cạnh đó, số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này 7 tháng qua ước đạt 23,64 tỷ USD, tăng gần 5% so với cùng kỳ. Từ nay đến cuối năm, dự báo, xuất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan, bởi theo yếu tố chu kỳ, nhu cầu hàng hóa thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. 

Năm 2024, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD, theo nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, con số này toàn ngành có thể cán đích. Song song với dệt may, xuất khẩu da giày cũng tăng trưởng nhanh đến mức, ngành này hoàn toàn tự tin dự báo kim ngạch năm 2024 sẽ đạt khoảng 26-27 tỷ USD.

Đáng chú ý, về tổng quan chung, số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu kỳ 2 tháng 7 đạt  gần 19,9 tỷ USD, tăng 22,3% (tương ứng tăng 3,62 tỷ USD) so với kỳ trước. Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 7 đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong 7 tháng đạt gần 227,5 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 31,34 tỷ USD).

Xuất khẩu năm 2024 có thể đạt con số chưa từng có - Ảnh 1.

Doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh: Theo chu kỳ, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới sẽ tăng trưởng mạnh vào những dịp cuối năm, qua đó đẩy kim ngạch xuất khẩu khẩu tăng mạnh và dự báo có thể sẽ đạt con số kỳ lục. 

Trao đổi với báo giới, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), cũng nhấn mạnh thêm, với những kết quả từ đầu năm đến nay, chúng ta hoàn toàn có thể tin vào khả năng cả năm 2024 tăng trưởng xuất khẩu sẽ vượt mục tiêu 6% mà Bộ Công thương đặt ra.

Không chủ quan với biến động khó lường

Lạc quan là thế nhưng theo các chuyên gia kinh tế, chúng ta vẫn phải vừa nỗ lực không ngừng, vừa cẩn trọng bởi tình hình thế giới đang diễn biến khá phức tạp. Hiện kinh tế toàn cầu vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định khi chiến tranh, xung đột Nga - Ukraine vẫn căng thẳng, còn Israel - Hamas tiếp tục leo thang, có dấu hiệu lan rộng ra các quốc gia lân cận. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra thông điệp chỉ có một lần cắt giảm lãi suất trong năm.

Chưa dừng lại ở đó, theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), công suất dư thừa tại Trung Quốc sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Khi nhu cầu tiêu dùng suy giảm, nguồn hàng dư thừa với giá rẻ của Trung Quốc có thể được đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia khác.

"Một khó khăn không thể không nhắc đến là vấn đề cước vận tải biển vẫn ở mức rất cao, nhất là đối với các tuyến xuất khẩu hàng hóa của chúng ta. Còn một số cảng biển tại châu Á gặp tình trạng tắc nghẽn, tàu phải đợi rất lâu để khai thác khiến tiến độ giao hàng cho đối tác bị ảnh hưởng...", ông Hải phân tích. 

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại gắn với thương mại điện tử, kinh tế số và kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp, địa phương với thị trường thông qua các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để vừa có kế hoạch sản phẩm phù hợp với xu hướng thị trường hiện nay, vừa mở rộng thị trường, thị phần. 

Theo ông Phú, các địa phương nước ta cần xây dựng chiến lược hợp tác kinh tế, xúc tiến thương mại với các thị trường nước ngoài để mở rộng thương mại, thu hút hợp tác công nghiệp và đầu tư. Trước mắt có thể xem xét kết nghĩa hoặc ký kết các thỏa thuận hoặc thành lập các cơ chế hợp tác để tạo khuôn khổ hợp tác cụ thể và lâu dài. Còn các hiệp hội, doanh nghiệp cần nghiên cứu nâng cao khả năng tiếp cận với các kênh phân phối nước ngoài thông qua sự hỗ trợ của ngành Công thương.

"Đề nghị các hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với lại các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để tăng cường truyền thông quảng bá hình ảnh, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, cũng như là thương hiệu của các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ở trên thị trường ngoài nước", ông Phú nhấn mạnh.

Trong đó, riêng đối với thị trường láng giềng khổng lồ là Trung Quốc, các chuyên gia khuyến nghị cần tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển hoạt động thương mại biên giới bền vững thông qua thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch; tiếp tục khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường tỉ dân đầy tiềm năng này./.



* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước