Xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Đông, châu Phi tăng nhanh

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 25/10/2024 12:45 GMT+7

VTV.vn - Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông, châu Phi đã tăng hơn 10 lần, từ 2 tỷ USD năm 2005 lên 20,8 tỷ USD năm 2023.

Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các nước Trung Đông, châu Phi thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu có tính chất bổ sung lẫn nhau.

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông, châu Phi đã tăng hơn 10 lần, từ 2 tỷ USD năm 2005 lên 20,8 tỷ USD năm 2023. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước khu vực này đang tăng nhanh, đứng thứ hai so với thị trường châu Mỹ.

Hiện nay, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Đông và châu Phi tập trung các mặt hàng như gạo, cà phê, hồ tiêu, thủy sản.

Các sản phẩm may mặc, giày dép, đồ điện tử và hàng gia dụng của Việt Nam có tiềm năng lớn tại thị trường này, nhất là tại các nước có dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng.

Ngược lại, Việt Nam có thể nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, và các sản phẩm hóa dầu từ Trung Đông để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế trong nước. Các nước châu Phi cũng cung cấp khối lượng lớn nguyên liệu như bông, gỗ, khoáng sản, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong các ngành công nghiệp của Việt Nam.

Xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Đông, châu Phi tăng nhanh - Ảnh 1.

Xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Đông, châu Phi đang tăng nhanh. Ảnh minh họa.

Cùng đó, các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi có nhu cầu cao về thực phẩm Halal nhập khẩu do hạn chế trong sản xuất nông sản, với dân số Hồi giáo chiếm hơn 40%, tiêu thụ các sản phẩm Halal, đặc biệt là thực phẩm chế biến, mỹ phẩm và dược phẩm ngày càng tăng cao.

Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh trong sản xuất nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến và đang nỗ lực nâng cao tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu Halal. Bên cạnh đó, Việt Nam có chủ trương phát triển quan hệ với các quốc gia Trung Đông và châu Phi; trong đó, có thúc đẩy hợp tác sản xuất nhập khẩu, chứng nhận Halal. Đây cũng là điều kiện tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Halal.

Trong lĩnh vực logistics và vận tải biển, với vị trí chiến lược, Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển hàng hóa giữa châu Á và Trung Đông. Hợp tác với các công ty logistics hàng đầu tại Trung Đông, như công ty DP World sẽ giúp cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng trong khu vực, cũng như giữa Việt Nam với các nước Trung Đông, Bắc Phi.

Cơ hội để nông sản Việt tiến quân vào thị trường Halal Cơ hội để nông sản Việt tiến quân vào thị trường Halal

VTV.vn - Dự đoán chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt mức 1,67 nghìn tỷ USD vào năm 2025, theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu năm 2022.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước