Xuyên Mộc: Nỗ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Phong Nguyễn - Hoàng Hà-Thứ tư, ngày 18/09/2024 10:18 GMT+7

VTV.vn - Từ một huyện nghèo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng với sự nỗ lực không ngừng, huyện Xuyên Mộc đang trở thành 1 điểm sáng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Phát huy đồng bộ các thế mạnh khai thác tiềm năng du lịch 

Với bờ biển dài 32 km, phần lớn là bãi cát có độ dốc thoải từ 3m - 80m, Xuyên Mộc là địa phương có bãi biển duy nhất trong cả nước được bao quanh bởi màu xanh ngút ngàn của cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh đang là vùng đất đầy tiềm năng về du lịch sinh thái. 

Trong đó, bãi biển Hồ Tràm dài 3 km, bãi biển Hồ Cốc 5 km, nước trong xanh, ấm áp quanh năm, đang thu hút du khách các nơi về nghỉ dưỡng, tắm biển. Suối nước nóng Bình Châu đã nổi tiếng cả nước từ lâu với nhiều hoạt động du lịch, vui chơi, nghỉ dưỡng. Dòng suối này có nhiệt độ cao nhất lên đến 82 độ C và có nhiều chất khoáng chữa bệnh, đã và đang được xây dựng lại thành một khu nghỉ dưỡng với quy mô lớn, tiện nghi nhưng gắn liền với thiên nhiên hoang dã. Chùa Bảo Tích, di tích Vòng thành Đá trắng mang đậm nét kiến trúc Chăm pa cổ, di tích Bia tưởng niệm Tàu không số gắn với huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển... là những địa danh đã tạo cho Xuyên Mộc những lợi thế để địa phương này kêu gọi và thu hút đầu tư trong và ngoài nước, khai thác, phát huy lợi thế kinh tế biển, du lịch sinh thái gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia .

Xuyên Mộc: Nỗ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế - Ảnh 1.

Bãi biển Hồ Tràm.

Trong những năm qua, nhằm tạo tiền đề để chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách hiệu quả, địa phương này đã triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến giao thông kết nối khu vực ven biển với các xã, thị trấn để mở rộng không gian du lịch, tăng sức lan tỏa. Đồng thời hoàn thành các tuyến đường giao thông chính như: Đường 328, 329, Đường Hòa Bình - Hòa Hội - Bưng Riềng - Bình Châu. 

Xuyên Mộc: Nỗ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế - Ảnh 2.

Đua thuyền Rồng tại hồ Bà Tô - hoạt động thu hút khách du lịch được huyện tổ chức hàng năm.

Địa phương này cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh quy hoạch và có kế hoạch mở rộng, nâng cấp tuyến đường ven biển đạt lộ giới 50m; phát triển các tuyến đường trục chính hướng biển, phát triển các khu dân cư, hướng tới hình thành các đô thị du lịch ven biển Hồ Tràm, Bình Châu. Đồng thời triển khai thực hiện  đầu tư các tuyến như: Đường kết nối từ Ngã ba QL55 - Bình Ba Đá Bạc tại xã Bông Trang ra đường ven biển Hồ Tràm - Hồ Cốc; Đường Láng Găng - Thanh Bình 3, xã Bình Châu để tạo thuận lợi cho hoạt động phát triển kinh tế, gắn liền với du lịch dịch vụ trên địa bàn. 

Xuyên Mộc: Nỗ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế - Ảnh 3.

Đường phố khang trang, sạch đẹp đón du khách

Song song đó, Xuyên Mộc cũng triển khai các dự án đầu tư nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển ngành các ngành dịch vụ. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật các đô thị Phước Bửu; các tuyến đường giao thông kết nối, phát triển các khu trung tâm xã để bảo đảm phục vụ tốt cho việc phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ như thương mại, du lịch, vận tải, ăn uống, thông tin, truyền thông và các dịch vụ khác cho người dân và du khách. 

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu

Với 80,7% diện tích là đất nông, lâm nghiệp, trong đó diện tích đất tốt và trung bình chiếm 61,5% nên Xuyên Mộc có thế mạnh trong việc phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt là cây dài ngày như: cao su, nhãn, cà phê, tiêu…

Tuy nhiên, do nằm gần biển nên nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng chủ động ứng phó, thích nghi với sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng, những năm vừa qua, UBND huyện Xuyên Mộc cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển đảo nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng như: Bảo vệ diện tích rừng hiện có, phát triển trồng thêm nhiều loại cây xanh phân tán, tăng mật độ che phủ; tăng cường bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái. 

Địa phương cũng khuyến khích duy trì diện tích đất nông nghiệp trồng các loại cây ăn quả, các loại cây cảnh, hoa… xen kẽ trong các khu đô thị. 

Xuyên Mộc: Nỗ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế - Ảnh 4.

Tiêu không hạt - sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của Xuyên Mộc.

Nhờ những nỗ lực đó nên vài năm trở lại đây nhiều hộ nông dân trên địa bàn thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng xây dựng những vùng chuyên canh có giá trị cao, năng suất cao gắn liền với việc xây dựng nông thôn. Mô hình kinh tế trang trại đã và đang phát triển nhiều ở các xã Hòa Hội, Hòa Hiệp, Bàu Lâm, Phước Thuận...

Xuyên Mộc: Nỗ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế - Ảnh 5.

Vườn thanh long tại xã Bông Trang sáng rực về đêm

Để hỗ trợ nông dân, UBND huyện Xuyên Mộc đã thực hiện những giải pháp như hoàn thiện kết cấu, hạ tầng cho các vùng sản xuất tập trung, đầu tư hoàn thiện hệ thống các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương, khai thác nguồn nước dẫn từ Hồ Sông Ray của dự án tuyến kênh Hòa Bình - Phước Tân, tăng diện tích cây trồng được tưới chủ động, đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi để thu hút đầu tư. 

Xuyên Mộc: Nỗ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế - Ảnh 6.

Nông dân thu hoạch thanh long.

Mặt khác, huyện cũng tiến hành quy hoạch Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, triển khai dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp kết hợp với định hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. 

Phát huy nguồn nước từ các dự án tuyến kênh Hòa Bình - Phước Tân gắn với triển khai đồng bộ các dự án thuộc chương trình phát triển hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện; mở rộng diện tích tưới cho các xã Hòa Bình, Phước Tân, Xuyên Mộc, Phước Thuận, Bông Trang, Bình Châu, Hòa Hội, Hòa Hiệp… 

Xuyên Mộc: Nỗ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế - Ảnh 7.

Nhãn xuồng cơm vàng của HTX Nông nghiệp Nhân Tâm, sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của huyện đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước.

Với sự giúp đỡ của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, huyện Xuyên Mộc cũng đang có kế hoạch phát triển mạnh đàn bò, heo, gà, kể cả bò sữa, trong mỗi hộ gia đình theo hướng chăn nuôi và trồng trọt nhỏ. 

Một số nông dân của huyện đă được đầu tư đi học các lớp khuyến nông ở nước ngoài để tích lũy thêm tay nghề, kinh nghiệm và vốn khoa học kỹ thuật. Hiện, đàn trâu, bò của toàn huyện là hơn 10.500 con; đàn heo khoảng 115.000 con; gia cầm 650 nghìn con... 

Ngành Ngư nghiệp cũng được chú ý phát triển khá mạnh với tổng số 966 ghe thuyền đánh bắt có tổng công suất 32 nghìn CV, sản lượng khai thác hàng năm hơn 10.000 tấn hải sản các loại. Riêng diện tích nuôi trồng thủy sản hiện đã đạt diện tích 685 ha và tập trung ở khu vực Phước Thuận với khoảng 300 ha. 

Xuyên Mộc: Nỗ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế - Ảnh 8.

Nông dân đang chăm sóc vườn thanh long

Trao đổi với phóng viên Thời Báo VTV, bà Lê Thị Trang Đài - Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc đánh giá; "Trong thời gian qua, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng bình quân hàng năm ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp đạt 4,11%, tốc độ tăng bình quân hàng năm ngành thương mại - dịch vụ đạt 8,14%, tốc độ tăng bình quân hàng năm ngành công nghiệp - xây dựng đạt 9,38%. Kết quả đó là sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, nhân dân trong huyện và sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, của các nhà đầu tư. Đó chính là những tiền đề quan trọng, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của huyện Xuyên Mộc phát triển đi lên trong thời gian tới. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

Xuyên Mộc

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước