Đây là yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng tại buổi làm việc với Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức và Bệnh viện quận Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), ngày 7/12.
Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh: Phương Vy-TTXVN.
Theo báo cáo của Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, với quy mô 600 giường bệnh nội trú, hiện mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận 1.800 lượt người dân đến khám chữa bệnh. Tổng doanh thu năm 2016 của bệnh viện này ước đạt 232 tỷ đồng. Trong khi đó, cũng nằm trên địa bàn này, Bệnh viện quận Thủ Đức lại có lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh từ 4.800-5.500 lượt/ngày với hơn 800 giường bệnh nội trú. Đây cũng là bệnh viện tuyến quận, huyện đầu tiên trên cả nước thường xuyên thực hiện các kỹ thuật cao.
Trong năm 2017, Bệnh viện quận Thủ Đức kiến nghị xin được chuyển đổi mô hình tự chủ sang mô hình đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư nhóm 1 theo Nghị định 16/2015 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, Bệnh viện này xin thí điểm vận hành mô hình tự chủ theo loại hình doanh nghiệp.
Đánh giá cao sự phát triển của Bệnh viện quận Thủ Đức trong những năm qua khi từ một bệnh viện tuyến quận đã trở thành bệnh viện hạng 1, tương đương với 1 bệnh viện cấp tỉnh, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng, đây là mô hình cần được nhân rộng không chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh mà còn trong cả nước. Bí thư Thành ủy cũng hoan nghênh kiến nghị xin được tự chủ tài chính 100%, tiến tới hoạt động như một doanh nghiệp của Bệnh viện quận Thủ Đức và đánh giá đây là sự năng động, đi trước, đón đầu của lãnh đạo bệnh viện và đó cũng là chủ trương của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay khi đang đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa các dịch vụ công, trong đó có dịch vụ y tế.
Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay trên cùng địa bàn quận Thủ Đức có đến hai bệnh viện là không hợp lý. Trong khi đó, thực tế đang có sự chênh lệch lớn, không đồng bộ trong kế hoạch phát triển cũng như lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại hai bệnh viện này. Vì vậy, các sở, ngành và UBND quận Thủ Đức cần nghiên cứu phương án tổ chức, quy hoạch hai bệnh viện này thành một bệnh viện thống nhất để có hướng đầu tư hiệu quả hơn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những năm gần đây Bệnh viện quận Thủ Đức là bệnh viện phát triển một cách toàn diện. Tuy nhiên, việc tồn tại hai bệnh viện cùng trên địa bàn một quận đang không phát huy hiệu quả, vì để cả hai bệnh viện cùng phát triển thì phải có sự đầu tư rất lớn, trong khi nguồn lực đầu tư của thành phố có hạn. Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đề xuất sáp nhập hai bệnh viện lại làm một về mặt hành chính nhưng vẫn giữ nguyên hai cơ sở khám chữa bệnh cùng song song hoạt động để tạo thuận lợi hơn cho người dân từng khu vực./.